Hơn 10 năm thành lập công ty riêng, anh Hoàng trải qua nhiều thăng trầm. Khi doanh nghiệp lớn mạnh, mở thêm chi nhánh, anh phải xa gia đình, đi công tác nhiều hơn cũng là lúc cảm thấy sự cô đơn và âm thầm chịu đựng. "Bạn phải luôn tỏ ra mạnh mẽ và chứng tỏ giá trị của mình, mỗi ngày đều phải chiến đấu với công việc", người đàn ông giải thích, song thực tế hàng đêm anh không thể ngủ ngon, sống trong cảm giác mệt mỏi.

Lâu dần, anh nhịn đói, tự nhốt mình trong bóng tối, cuối cùng uống rượu bia say mèm mới cảm thấy ổn hơn. "Cảm thấy trống rỗng, muốn buông bỏ tất cả", Hoàng nói, nhưng anh tuyệt nhiên không tâm sự với ai. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Anh hay bị đánh trống ngực, nhớ nhớ, quên quên, rối loạn tiêu hóa, thường xuyên ốm vặt.

Còn Huyền Trang, 37 tuổi, là một KOL (người có sức ảnh hưởng), không rời khỏi phòng trong 6 ngày và luôn tự hỏi: "Mình có muốn sống nữa không?". Cô cho rằng bóng tối là một phần không gian sống của mình bởi khiến cô cảm thấy thoải mái, không đơn độc. Có những ngày Trang chỉ ngồi cả ngày, lấy ghế làm giường, bật tivi nhưng không xem.

"Mọi người luôn nhìn thấy tôi vui vẻ và tươi tắn, thực sự bên trong cơ thể là một màu u ám", Trang nói. Người phụ nữ độc thân cố gắng làm việc để vơi đi cảm giác cô đơn, nhưng tâm lý ngày một tồi tệ. Cô dần xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực như muốn buông bỏ, trốn tránh, không muốn làm việc.

understanding-depression-and-w-7499-6808-1719489135.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VMUE5jUSNBFgjPYamOFAEw

Người ở vị trí cao ít có thời gian chăm sóc bản thân, nhiều áp lực khiến họ dễ mắc các bệnh tâm thần. Ảnh: Merald Psychiatry

Cả hai người trên được chuyên gia tâm lý chẩn đoán bị rối loạn lo âu. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết những người thành công hoặc ở vị trí cao có rất ít thời gian cho việc chăm sóc bản thân, gia đình hoặc có những giây phút tĩnh lặng - là nguyên nhân dẫn đến kiệt sức. Sự căng thẳng ở một người thành công thực sự có thể gây ra các giai đoạn bệnh tâm thần.

Dấu hiệu đặc trưng của rối loạn lo âu bao gồm cảm giác lo lắng, khó tập trung. Họ luôn bận tâm đến những gì người khác nói và ám ảnh về những gì người khác nghĩ về họ. Sau đó họ tìm mọi cách làm hài lòng, sợ người khác tức giận. Trạng thái này có thể không được thể hiện rõ ràng, dễ ẩn sau vẻ ngoài chỉn chu của họ.

"Vì nhiều lý do khác nhau, một số người có thể tiếp tục tỏ ra 'ổn' trong khi thực tế bên trong vẫn cảm thấy như mình đang 'chết đuối'", bà Thu nói.

Một số biểu hiện khác bao gồm suy nghĩ và phân tích quá mức, tự nghi ngờ, có suy nghĩ so sánh, chạy đua, không thể thư giãn, định hướng quá chi tiết. Từ đó, bạn có thể gặp phải vấn đề về sức khỏe như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và nôn; đau đầu thường xuyên, nhức mỏi cơ thể, sương mù não, đổ quá nhiều mồ hôi, căng cơ, đánh trống ngực, khó ngủ, tê tay chân.

Thực tế, người thành công hay gặp nhiều áp lực lớn. Họ phải gồng mình lên để chống chọi lại cảm giác đơn độc trong thế giới riêng, đây là nguyên nhân chính gây rối loạn lo âu. Bên cạnh đó, chứng rối loạn lo âu có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm thời thơ ấu, sang chấn tâm lý không được chữa lành ảnh hưởng đến sức khỏe, theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh phúc Việt Nam.

Điều nguy hiểm là những người này gặp khó khăn trong việc yêu cầu hỗ trợ về sức khỏe tâm thần. Nhóm người bề ngoài tỏ ra xuất sắc phải làm việc nhiều hơn, áp lực nhiều hơn khi những người phía sau liên tục thúc đẩy họ tiến lên phía trước. "Nhiều người phải chịu đựng nỗi lo lắng tột độ trong im lặng vì họ sợ mọi người coi họ là kẻ thất bại nếu không mạnh mẽ hoặc không đạt được thành tựu", bà Lan nói.

Các chuyên gia nhìn nhận stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Điều quan trọng là cần nhận ra bản thân gặp vấn đề và đánh giá tình trạng này ở góc độ tích cực. Mỗi người nên học và tập luyện các kỹ năng ứng phó để giúp tâm lý cân bằng, không căng thẳng mạn tính, nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác,.

Các kỹ năng được bác sĩ khuyến cáo là thiền, tập thể dục như chạy bộ, ăn uống lành mạnh, tìm ra các thú vui, gặp gỡ bạn bè, hoạt động thiện nguyện. Trường hợp nặng nên khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý hành vi (CBT).

"Được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu sẽ giúp người trầm cảm ẩn trút bỏ được gánh nặng tâm lý, từ đó tìm ra nhiều giải pháp tích cực cho bản thân", bác sĩ Thu nói.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022