Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học tới, thành phố có khoảng 188.000 học sinh vào lớp 6. Số này tăng hơn 38.500 em so với năm ngoái và tăng hơn 59.100 so với số học sinh lớp 9 sắp tốt nghiệp.
Trong 30 quận, huyện, thị xã của thủ đô, Hà Đông tăng mạnh nhất. Số học sinh vào lớp 6 năm nay ở Hà Đông tăng hơn 3.100 so với năm ngoái, còn nếu so với lớp 9 sắp ra trường, con số lên tới 5.200.
Ngoài ra, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Hoàng Mai cũng là những địa phương có số học sinh lớp 6 tăng nhiều nhất.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hà Đông, cho biết hầu như năm nào số học sinh đầu cấp ở quận cũng tăng, nên số học sinh lớp 6 năm nay đã được dự tính trước. Theo bà, trong hơn 5.000 học sinh dự kiến tăng, khoảng 1.500 sẽ học trường ngoài công lập, nên thực tế con số vào trường công tăng khoảng 3.500.
"Các huyện giáp ranh Hà Đông như Thanh Oai có nhiều khu đô thị với nhiều chung cư, nhưng lại không có trường công lập, nên cũng tạo áp lực cho các vùng lân cận", bà Hằng nói.
Để đáp ứng chỗ học, quận Hà Đông đã cơi nới, sửa chữa, xây thêm 7 tòa nhà tại trường THCS Văn Yên, Biên Giang, Trần Đăng Ninh, Văn Quán. Hiện, sĩ số bình quân bậc THCS của quận Hà Đông là dưới 45 học sinh một lớp. Năm học tới, bà Hằng nhận định số này không biến động nhiều, có trường hơn 50 học sinh một lớp, nhưng cũng có nơi hơn 40.
Quận Nam Từ Liêm hiện có 24 trường THCS, trong đó 10 trường ngoài công lập. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, năm học tới quận không có trường nào được xây mới nhưng nhiều trường được sửa chữa, cơi nới nên vẫn đáp ứng được số học sinh tăng.
Bà Hằng nhận định để đảm bảo đủ chỗ cho học sinh lớp 6, giải pháp chung là xây mới, sửa chữa các trường, phòng học; phân lại tuyến tuyển sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập, vừa để phụ huynh có thêm lựa chọn, vừa giảm tải cho trường công.
Học sinh lớp 6, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, trở lại trường sau 9 tháng học trực tuyến vì Covid-19, tháng 4/2022. Ảnh: Dương Tâm
Trả lời VnExpress ngày 22/3, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết đã chỉ đạo các trường rà soát cơ sở vật chất, giáo viên, tìm phương án cải tạo, mở rộng hoặc xây mới phòng học trước khi tuyển sinh đầu cấp. Các địa phương cũng được yêu cầu phân tuyến phù hợp, căn cứ theo số học sinh ở từng khu vực và chỉ tiêu các trường có thể đáp ứng, để tránh quá tải.
"Tinh thần là đảm bảo đủ chỗ học cho các cháu", ông Tuấn nói.
Từ nay đến năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường công lập thuộc quản lý của Sở. Ngoài ra, thành phố cần xây thêm 16 trường, gồm 7 trường liên cấp. Tổng mức đầu tư cho 139 dự án này là 8.526 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.
Thanh Hằng