Khi đi siêu thị, những đứa trẻ vốn bản tính tò mò sẽ rất háo hức khi nhìn thấy đủ loại hàng hóa bày trên kệ hàng. Đôi khi, không kiềm chế được, chúng có thể sẽ giấu ba mẹ lấy một vài thứ nhỏ cất vào túi mà không hề biết đây là hành vi không được phép. Những lúc này, ba mẹ cần ứng xử ra sao?
Mới đây, cô Giang (tên đã thay đổi) - một bà mẹ sinh năm 1990 ở Trung Quốc cũng lâm vào tình cảnh khó xử này. Khi mua sắm tính tiền xong, cô cùng con gái 3 tuổi ra khỏi cửa siêu thị, nhưng khi cô bé vừa bước ra, âm thanh cảnh báo vang lên. Bà mẹ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Đúng lúc đó, nhân viên bảo vệ tiến tới, yêu cầu hai mẹ con vào khu vực dành cho khách hàng.
Người này cho rằng con của chị có thể lấy trộm đồ, yêu cầu được lục soát khắp người, đồng thời nhấn mạnh: quy định của siêu thị, trộm cắp sẽ phạt 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,6 triệu đồng).
Lúc này, cô Giang lấy lại bình tĩnh, thay vì nghe theo nhân viên và quay sang trách mắng con, cô nói: "Tôi không biết liệu có sự nhầm lẫn gì hay không vì mọi thứ đã mua tôi đều thanh toán hết. Cũng có thể con tôi có lỗi, nhưng việc lục soát hay tra hỏi ngay chốn đông người là không phù hợp. Chuyện đó ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con gái tôi.
Nếu cần thiết, người nói chuyện với con sẽ chính là tôi, và trong phòng kín, chỉ có 2, 3 người. Hơn nữa, anh là đàn ông. Dù là một đứa trẻ đi nữa, chẳng lẽ anh không hiểu câu 'nam nữ thụ thụ bất thân' hay sao?".
Lúc này nhân viên bảo vệ sắc mặt thay đổi, hỏi cô Giang giải pháp hợp lý. Người mẹ một mặt yêu cầu nhân viên cho thời gian, một mặt đưa con vào một chỗ kín, hỏi xem liệu con có cầm thứ gì trong người mà chưa đưa mẹ thanh toán hay không. Quả nhiên, con gái cô có lấy một món đồ chơi nhỏ bỏ trong túi quần.
Bà mẹ sau đó giải thích cho con hành động lấy đồ khi chưa thanh toán là sai, cùng con mang món đồ ra quầy thu ngân siêu thị, yêu cầu con xin lỗi. Cách ứng xử của bà mẹ được nhiều người khen ngợi. Cô không bao che, cho rằng con còn nhỏ, không biết gì, cũng biết cách bảo vệ không để con ảnh hưởng tâm lý.
Ở nơi công cộng, trẻ nhỏ đôi khi vì hiếu động hoặc không biết mà gây ra những rắc rối cho người khác. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại luôn bênh con mình chằm chặp và cho rằng: "Chúng là trẻ con, biết gì đâu!". Điều này thật sự sẽ khiến trẻ không nhận ra sai lầm của mình.
Bên cạnh đó, một số lại quá cứng nhắc, cho rằng "nhỏ ăn cắp sắt, lớn ăn cắp vàng" và liền tức giận kỷ luật, đánh mắng. Điều này có thể dẫn đến tâm lý nổi loạn của một đứa trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên sử dụng thái độ ôn hòa để giảng giải con cái cũng như chủ động nhận lỗi với mọi người.
Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi giáo dục con cái?
Cho trẻ cơ hội sửa sai
Nếu trẻ dưới 6 tuổi lấy đồ người khác, có thể do trẻ chưa có nhận thức rõ được đúng sai về vấn đề này. Do đó, hãy dạy con bắt đầu từ việc lên tiếng đề nghị những gì chúng muốn có, dạy cho chúng sự sẻ chia, thông cảm. Nhưng khi con lớn hơn, bạn nên xử lý vấn đề nghiêm túc hơn. Giải thích cho con đó là hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời hỏi con: "Con nên làm gì lần sau?", để trẻ ý thức hành vi.
Cha mẹ không được cho phép con mình giữ lại những gì chúng đã lấy. Trong trường hợp trẻ lấy đồ từ các nhà hàng, siêu thị... nên nghiêm khắc yêu cầu trẻ mang món đồ đó trả lại để trẻ trực tiếp đối diện với vấn đề chúng gây ra và tìm cách xử lý nó thay vì trốn tránh.
Nếu một đứa trẻ cứ lặp đi lặp lại hành vi ăn trộm thì vấn đề không còn đơn giản, lúc này cha mẹ cần dành thời gian nói chuyện với giáo viên, với bạn bè của con để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra.
Thiết lập các quy tắc cho trẻ và phát triển các thói quen hành vi tốt
Trong cuộc sống, cha mẹ cũng nên đặt ra cho con những quy tắc, cho con biết mình được làm gì và không được làm gì. Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói: "Gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen gặt tính cách; gieo tính cách gặt số phận". Tuy nhiên để hình thành thói quen tốt không phải trong ngày một ngày hai.
Đây là lý do vì sao trong giai đoạn mầm non, bố mẹ cần chú trọng đến các thói quen của trẻ như nếp sống, làm việc và phép tắc xã giao. Chỉ những đứa trẻ phát triển những hành vi tốt từ khi còn nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho chúng trong suốt cuộc đời.