Mới đây, CĐM không khỏi xôn xao trước thông báo của Trường Đại học Luật TP.HCM về việc buộc thôi học và bị cảnh báo nguy cơ đuổi học đối với hơn 120 sinh viên. Cụ thể, có 37 sinh viên chính quy bị đuổi học vì ở cả 2 học kỳ của năm học 2021-2022, các sinh viên này có điểm tổng kết trung bình đều dưới... 1.0 (tính trên thang điểm 4.0).

Ngoài 37 sinh viên bị đuổi học, trường cũng cảnh báo học vụ đối với 89 trường hợp vì điểm trung bình tích lũy toàn khóa, trung bình học kỳ 2 năm học 2021-2022 thấp. Nếu kết quả này không được cải thiện và bị cảnh báo học vụ lần 2 liên tiếp thì 89 sinh viên này cũng sẽ phải chịu cảnh "đứt gánh giữa đường" theo quy định.

photo-5-1670458783335959148008.png

Danh sách sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM bị đuổi học khiến CĐM xôn xao

Tuy nhiên, quy định buộc thôi học sinh viên vì thành tích học tập kém không chỉ có ở Đại học Luật TP.HCM mà cũng diễn ra vô cùng phức tạp ở rất nhiều trường đại học khác. Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội từng thẳng thắn chia sẻ rằng hằng năm, trường này có khoảng 700 - 800 sinh viên phải ra khỏi hệ chính quy do không đảm bảo được yêu cầu của nhà trường. Ngoài ra có 40% phải trả nợ môn đến năm thứ 6 mới ra trường được.

Tương tự, tại trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, ngay từ học kỳ I năm học 2021-2022 đã có hơn 200 sinh viên bị xem xét buộc thôi học và hơn 800 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1.

Khi sinh viên bị... buộc thôi học

Hằng năm, số lượng sinh viên "đứt gánh giữa đường" ở các trường đại học là con số không nhỏ. Đây là vấn đề quá quen thuộc và đều nằm trong quy định của các trường đại học. Nhìn ở khía cạnh khác, không ít người cho rằng việc mạnh tay xử lý sinh viên vi phạm được xem là động thái cần và nên đối với các trường đại học.

Là một sinh viên từ quê lên Hà Nội mang theo bao hoài bão về 4 năm đại học phía trước. Bạn N.T.T (sinh viên năm 4, Đại học Bách khoa TP.HCM) từng không khỏi bất ngờ khi lớp đại học của mình có kha khá bạn bị... đuổi học do không thể đáp ứng yêu cầu của nhà trường.

"Lúc biết lớp của mình có nhiều bạn bị nhà trường đuổi học mình khá bất ngờ. Bởi các bạn đã cố gắng rất nhiều để có thể vào được Bách Khoa ấy thế mà chỉ vì một chút sơ sẩy đã mất đi cơ hội được tiếp tục học tập",nam sinh chia sẻ.

Dẫu bất ngờ là vậy, nhưng theo N.T.T, sự sàng lọc này là cần thiết bởi cứ giữ lại các sinh viên có thành tích học tập không tốt như vậy thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Sau khi ra trường, các bạn đấy sẽ không có kiến thức chuyên môn tốt để có thể bước chân vào thị trường lao động. Tình trạng này sẽ vừa mang tiếng trường, vừa phí hoài 4 năm học tập của các bạn.

photo-4-16704587786191515293680.jpg

N.T.T không khỏi bất ngờ khi lớp đại học của mình có kha khá bạn bị... đuổi học (Ảnh minh họa)

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) bày tỏ: "Các trường không mong muốn phải cảnh báo học vụ, buộc thôi học sinh viên nhưng đây là việc phải làm để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo, sàng lọc và đảm bảo sản phẩm đầu ra của các trường đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Trường tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu sinh viên không chịu đầu tư cho việc học thì sẽ bị cảnh báo lần ba, đồng nghĩa với buộc thôi học. Nhà trường có một số băn khoăn, suy nghĩ, dằn vặt... nhưng việc các trường quyết liệt sàng lọc là cần thiết".

photo-3-1670458774173860772141.jpg

Theo thầy Lý, việc nhà trường sàng lọc sinh viên có thành tích học tập không tốt là cần thiết (Ảnh minh họa)

Ở một diễn biến khác, có rất nhiều người cho rằng việc đuổi học sinh viên là quá nghiêm khắc. Khi sinh viên bị "đứt gánh giữa đường" như vậy, các bạn ý sẽ bị mất định hướng trong sự nghiệp tương lai. Vậy nên, nhà trường nên tạo ra nhiều cơ hội hơn.

Bạn Thùy Linh (cựu sinh viên Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: "Mình cũng từng bị cảnh báo học vụ và dĩ nhiên khi nhận được thông báo như thế mình lo sợ vô cùng. Song, ngay sau khi bị nhà trường xếp vào danh sách những sinh viên có nguy cơ... bị đuổi học, mình đã bỏ hết tất cả mà tập trung học tập. Kết quả là mình đã tốt nghiệp loại Giỏi".

Từ câu chuyện của bản thân, Thùy Linh nhận thấy nhà trường nên tạo nhiều cơ hội hơn cho các bạn sinh viên "làm lại từ đầu". Bởi lẽ, khi chuyển tiếp từ môi trường cấp 3 lên đại học, nhiều bạn sẽ rất dễ bị choáng ngợp. Khi bị cảnh cáo rơi vào nhóm có nguy cơ đuổi học, lúc này các bạn sẽ buộc phải tìm cách để giải quyết vấn đề của bản thân. Đương nhiên, nếu việc nhắc nhở và cảnh cáo đã được diễn ra nhiều lần mà tình trạng vẫn không được cái thiện thì "cứ đúng luật mà làm".

Tương tự, bạn Phạm Thu Tuyết - sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng của một trường đại học ở Hà Nội cho hay, có điểm số thấp không hẳn do sinh viên không chịu học, mà cũng có phần vì chương trình đào tạo quá nặng. Được biết, ngay năm đầu, Thu Tuyết và bạn bè của mình đã phải học những môn khoa học cơ bản và đại cương rất "khó nhằn". Khi học xong Thu Tuyết dường như không nhớ gì, lên giảng đường chỉ để điểm danh và... ngủ.

photo-2-1670458770248489423.jpg

Khi học xong các môn đại cương Thu Tuyết dường như không nhớ gì, lên giảng đường chỉ để điểm danh và... ngủ. (Ảnh minh họa)

Vì đâu nên nỗi?

Trải qua một quá trình dài công tác và giảng dạy, TS Trần Đình Lý tóm gọi lại có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến sinh viên không theo được nhịp học ở đại học dẫn đến tình trạng học kém, bị cảnh cáo hoặc bị buộc thôi học.

"Đa số các em đó chọn không đúng ngành nghề và sau đó, quyết định chuyển sang trường khác với hình thức tuyển sinh và đào tạo khác. Cũng có một bộ phận sinh viên bị hụt hẫng bởi sự khác biệt giữa phương pháp học tập bậc phổ thông và đại học nên không theo kịp, nản chí và 'rơi rụng' dần trong quá trình học. Bên cạnh đó, cũng có những sinh viên bị tác động bên ngoài không tập trung việc học, kết quả kém và bị cảnh báo", thầy Lý chia sẻ.

Cũng theo thầy Lý, có một điểm đáng chú ý là có nhiều sinh viên từng là học sinh giỏi các cấp, nhưng khi vào đại học lại không thể trụ được, bị buộc thôi học do thiếu kỹ năng, lười...

"Rất nhiều em chọn ngành theo cảm tính, không trắc nghiệm năng lực và sở thích cá nhân, không có sự tìm hiểu đặc trưng ngành nghề… Việc chọn ngành học nhưng lại 'mù' thông tin về nghề dẫn đến chọn ngành không phù hợp, nhầm trường dẫn đến chán nản, học không nổi", thầy Lý nói.

photo-1-16704587640521259953583.jpg

TS Trần Đình Lý

Vì vậy, thầy Lý cho rằng cần cân nhắc hợp lý về định hướng nghề nghiệp, học ngành phù hợp năng lực sở trường. Đặc biệt, hiện nay dù quy chế, chính sách tuyển sinh có thay đổi hay đổi mới, nhưng vấn đề định hướng nghề nghiệp luôn là cốt lõi, không thay đổi. Và dưới đây là 3 lời khuyên của thầy Lý về việc chọn ngành, chọn nghề:

Thứ nhất, xác định tầm quan trọng của việc chọn ngành, nghề. Nếu chọn lầm nghề thì kể cả bạn không bỏ nghề, không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào! Vậy nên, thí sinh phải tìm hiểu nghề trước sau đó xem học ngành nào để làm nghề đó, trường nào đào tạo ngành đó. Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này và các yếu tố tác động khác.

Thứ hai, phải biết lượng sức mình. Thí sinh không nên chọn những nghề thật… cao siêu mà năng lực của mình khó với tới. Sau khi chọn nghề phù hợp, thí sinh nên lượng sức để chọn vào ngành của trường nào hoặc thậm chí bậc nào phù hợp. Các tiêu chí để tham khảo: Điểm chuẩn vài năm gần nhất, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý…).

Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, trong khi giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ, mong mỏi. Sự lựa chọn nghề nghiệp đương nhiên là chuyện tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh… bị lệ thuộc vào quyết định của người khác. Cần nhớ rằng lời khuyên tuy bổ ích, quan trọng, nhưng cũng chỉ dùng để tham khảo. Bản thân các thí sinh phải tự quyết định về tương lai của mình, chớ thi vào các ngành mình không yêu thích, chọn bậc học không tương xứng.

Thứ ba, hãy dành 18 - 20 phút để trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân, định hướng cho cả cuộc đời. Hơn bao giờ hết, cần phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình. Cần thấy sự khác biệt giữa thích và phù hợp. Có nhiều thí sinh tưởng rằng mình phù hợp với nghề đó, ngành đó nhưng thực ra các em bị ngộ nhận, chưa đủ thông tin để biết mình là ai? Chọn trường theo sở thích, sở trường của chính bản thân thí sinh mới là bền vững! Các em nên trắc nghiệm sở thích, sở trường nguyện vọng để biết mình có bị "ngộ nhận" khi lựa chọn ngành nghề hay không.

Những trường hợp sinh viên bị buộc thôi học:

- Đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, cuối mỗi học kỳ chính, sinh viên được cảnh báo học tập nếu tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng ký hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24.

Ngoài ra, sinh viên cũng được cảnh báo nếu điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học; dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo hoặc điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba hoặc dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo.

Sinh viên bị buộc thôi học nếu số lần cảnh báo học tập vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo hoặc thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định.

- Đối với phương thức đào tạo theo niên chế, cuối mỗi năm học, sinh viên được đánh giá đạt tiến độ học tập bình thường và được học tiếp lên năm học sau nếu điểm trung bình năm học đạt từ 1,0 trở lên đối với năm học thứ nhất, từ 1,2 trở lên đối với năm thứ hai và từ 1,4 đối với năm thứ ba trở đi và số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa không vượt quá 16.

Sinh viên bị buộc thôi học trong trường hợp: Điểm trung bình năm học đạt dưới 0,8; Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 sau 2 năm học, dưới 1,4 sau 3 năm học và dưới 1,6 từ sau 4 năm học trở đi; Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022