Tôi 45 tuổi, kinh doanh tự do, tính tình nhanh nhẹn, giao thiệp rộng. Tôi ly hôn từ khi con gái tôi – Thư – mới 10 tuổi. Từ đó, hai mẹ con sống cùng nhau trong một căn hộ thuê nho nhỏ. Tôi lo tất cả cho con, từ tiền học, tiền ăn, tiền thuê nhà, cả chuyện mua cái áo đồng phục đúng mã trường yêu cầu nhưng chưa bao giờ chúng tôi thực sự gần gũi.
Thư lớn lên lặng lẽ, tự lập. Từ lớp 6 đã tự biết soạn cặp, giặt quần áo, tự ngồi vào bàn học. Con học giỏi, được khen thưởng liên tục. Bạn bè tôi gặp, ai cũng bảo tôi "mát tay nuôi dạy con", nhưng thực lòng, tôi luôn thấy con xa cách. Gần như không bao giờ con chia sẻ gì với tôi, đi học về là đóng cửa phòng, ăn cơm xong cũng lặng lẽ dọn bát đũa, không đòi hỏi, không mè nheo, không cười đùa.
Lúc đầu tôi thấy thế là tốt, người nào làm mẹ cũng chỉ mong con cái tự lập, không cần phải quát mắng mà vẫn biết việc nhưng dần dà, tôi nhận ra có gì đó sai sai.
Một ngày nọ, tôi về nhà lúc gần nửa đêm. Tôi đi gặp khách, ký được một hợp đồng lớn, lòng phấn khởi, tay xách túi bánh kem nhỏ mua cho con gái. Gõ cửa phòng, tôi nói: "Mẹ có bánh kem này, chúc mừng sinh nhật của con".
Thư mở cửa, nhìn tôi với ánh mắt trống rỗng: "Mẹ biết hôm nay sinh nhật con mà vẫn đi từ sáng đến giờ".
Tôi cười trừ, đưa cái hộp bánh ra: "Mẹ phải đi gặp khách hàng chốt kèo. Mai mẹ bù cho, mình đi ăn gì ngon nhé?".
Con không nhận bánh, cũng không trả lời, chỉ đóng cửa lại. Lúc đó tôi rất bực, ném luôn cái bánh kem vào sọt rác, tự nhủ không thích thì thôi, tôi quá mệt mỏi để phải đi dỗ dành con gái đang tuổi ẩm ương.

Hôm sau, tôi thấy tờ giấy note dán trên cửa tủ lạnh: "Mẹ đừng mua thêm quần áo, giày dép, đừng tặng gì đắt tiền, chỉ cần mẹ có mặt lúc con cần thôi".
Tôi tức giận vì cảm thấy mình bị xúc phạm. Tôi làm cật lực, chạy đôn chạy đáo, xã giao đủ loại người, chịu đựng biết bao ánh mắt xoi mói để có tiền lo cho con. Vậy mà cpn lại nói như thể tôi vô trách nhiệm, chỉ biết bản thân mà bỏ bê con cái.
Tôi bắt đầu hay mắng những câu như: "Đồ vô ơn, không phải ai cũng được như con đâu. Mẹ làm tất cả chỉ vì con". Con không cãi nhưng ánh mắt thì càng lúc càng lạnh lùng.
Có lần khi tôi đi tiếp khách về muộn, môi còn phấn, tay còn mùi rượu, tôi vô tình nghe Thư nói qua điện thoại với bạn: "Mẹ tao sống như không có con cái gì vậy, chỉ biết kiếm tiền và phung phí. Tao thấy mẹ tao kiểu gì ấy, tao thích một người mẹ như mẹ mày ý, biết nấu ăn, biết lo cho con cái".
Tôi đau đớn đến đứt ruột. Tôi vẫn tin rằng mình đúng, mình vất vả vì con, nếu không vì con thì tôi sống vậy làm gì?
Cho đến một tối, tôi nằm xem " Sex Education" - bộ phim mà lúc đầu tôi nghĩ chỉ dành cho tuổi mới lớn nhưng không ngờ, phim đó lại khiến tôi như bị vả thẳng vào mặt.
Tôi xem đến đoạn Maeve - cô bé mạnh mẽ, thông minh, từng phải tự sống một mình vì mẹ nghiện ngập, suốt ngày vắng nhà, không có thời gian cho con - quay sang nói với mẹ trong nước mắt rằng c on cần mẹ là mẹ, chứ không phải là người phụ nữ bận bịu, phóng túng và chỉ quay về khi rảnh tay.
Tôi bật khóc. Tôi thấy hình ảnh mình trong người mẹ đó chẳng bao giờ có mặt đúng lúc. Tôi vắng mặt trong từng năm tháng con tôi lớn lên. Tôi không biết con từng thi rớt kì thi học sinh giỏi năm lớp 6, từng bị trêu chọc vì không có bố đưa đón. Tôi cứ nghĩ vật chất là đủ. Tôi nghĩ tấm áo hàng hiệu, đôi giày mới sẽ thay tôi bù đắp nhưng hóa ra, tôi đã sai từ tận gốc.
Tôi gõ cửa phòng con, ngập ngừng nói: "Mẹ không biết mẹ đã vắng mặt nhiều đến thế. Mẹ sai rồi".
Con bé bỗng thở dài như thể người lớn, vỗ vai tôi và nói: "Mẹ đừng hứa gì nữa. Mẹ chỉ cần giữ lời nếu đã nói thôi".
Tôi gật đầu, lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi không nói gì để bào chữa, tôi chỉ ngồi đó, lặng lẽ, và cố lắng nghe.
Tôi không biết mình sẽ mất bao lâu để bù đắp. Có thể không bao giờ con tôi tha thứ hết nhưng ít nhất, tôi hiểu ra một điều nuôi con không chỉ bằng tiền, mà bằng cả sự hiện diện. Và đôi khi một bộ phim tuổi teen lại dạy cho một bà mẹ như tôi bài học mà suốt những năm tháng trước kia chưa từng học được.