"Lướt TikTok một lúc là mình có thể xem được 5-6 video hướng nghiệp độc hại" - là câu nói đầu tiên của Nguyễn Lan Anh - học sinh tại một trường THPT tại Hà Nội, thốt lên khi được hỏi về những nội dung trên TikTok mà cô bạn thường xem được trong một ngày.
Điều đó quả thực không sai bởi trên MXH hiện nay, xuất hiện nhan nhản các clip hướng nghiệp với dạng content như: Top những ngành học "vô dụng" nhất Việt Nam, những chuyên ngành học ra trường chắc chắn thất nghiệp... Có thể nói, đó hoàn toàn là những thông tin hướng nghiệp "độc hại", chỉ dựa trên quan điểm cảm tính cá nhân mà không có sự xác thực nào.
Trên mạng xã hội hiện nay, xuất hiện nhan nhản các clip hướng nghiệp với dạng content hướng nghiệp một chiều, thu hút rất nhiều lượt xem
Việc tiếp xúc với các clip hướng nghiệp như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn ngành chọn nghề của Lan Anh. Đặc biệt là khi những ngành thường được xếp vào danh sách các "ngành học vô dụng" như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing... đều là những nguyện vọng dự kiến đăng ký của nữ sinh.
Khi xem phải những clip hướng nghiệp một chiều như vậy, đã có lúc cô bạn nghĩ: "Mình có nên thay đổi sang ngành học khác hay không". Vì Lan Anh cũng như vô số bạn trẻ khác đều ôm tâm lý... sợ: Sợ ra trường sẽ không kiếm được việc làm, sẽ tấm bằng của mình sẽ "vô dụng" như lời phỏng đoán, sợ bản thân sẽ không phù hợp với ngành học đó... Áp lực học tập một thì nỗi lo lắng về việc chọn ngành, chọn nghề trong Lan Anh chiếm đến mười.
"Hoang mang", "lo lắng" cũng là một trong những cảm xúc của Nguyễn Bình Minh (học sinh 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Sơn La). Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sắp tới, nam sinh dự tính đặt nguyện vọng đầu ngành Quản trị Kinh doanh. Nhưng sau khi nghe những thông tin hướng nghiệp lệch lạc trên mạng xã hội, rằng: Học Quản trị Kinh doanh dễ thất nghiệp, Học ngành này chung chung, sẽ không đi sâu đào bất kỳ chuyên môn nào... lựa chọn của Bình Minh bị lung lay đôi chút.
May sao, nhờ có định hướng rõ ràng từ gia đình và quyết tâm của bản thân nên cậu bạn đã không để những thông tin đó ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định của mình. Thay vào đó, Bình Minh tập trung không ngừng vào việc học tập.
Bình Minh từng cảm thấy hoang mang khi xem các video hướng nghiệp "độc hại"
Vì đâu nên nỗi?
Để trả lời về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thái Hà - CEO của John Hunt - một agency tuyển dụng và chủ nhân một kênh TikTok chuyên về tuyển dụng hướng nghiệp. Cô xem xét vấn đề trên dựa trên hai góc độ là: Người sáng tạo nội dung và người tiếp cận nội dung.
Xét về người sáng tạo nội dung, theo Nguyễn Thái Hà, có thể những người này có động cơ muốn "câu like", "câu view" nhưng cũng rất có khả năng họ rơi vào "hiệu ứng Dunning - Kruger". Đó chính là việc bạn biết chỉ vài phần trăm về vấn đề nào đó hoặc thậm chí là không biết nhưng bạn đã mặc định bản thân là bậc thầy trong vấn đề đó rồi. Xét về động cơ thứ hai, các bạn chưa chắc đã là người xấu, chẳng qua các bạn muốn chia sẻ thế giới quan của mình cho mọi người nhưng nó chưa thật sự đầy đủ và không ý thức được đến tác động tiêu cực của nó.
Còn về phía người nghe, khi xem những nội dung hướng nghiệp "độc hại", bạn hoàn toàn có quyền từ chối tiếp nhận mà chọn lọc những content chất lượng, đáng tin cậy hơn để xem. Nếu nội tại bên trong của các bạn đủ mạnh, thì bạn có thể tìm kiếm những luồng thông tin "xịn sò" khác chẳng hạn như việc: nói chuyện với các chuyên gia, tìm hiểu những cáo báo việc làm của các đơn vị uy tín…
Tương tự, Nguyễn Hà - CEO & Founder Tảo xoắn Okasan và CEO & Co-Founder Bất động sản Lee Homes, người từng tốt nghiệp bằng Giỏi trường Đại học Staffordshire (Anh Quốc) và Đại học Anh quốc Việt Nam với chuyên ngành Quản trị kinh doanh, chia sẻ những người đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội thường sẽ chia làm 2 trường hợp:
Thứ nhất: Những người không tìm hiểu kỹ đã đưa thông tin. Trường hợp này cô phần nào thông cảm, vì ít nhất họ vẫn biết tiếp thu sau khi có nhiều bình luận vào phản biện, chỉ ra lỗi sai của họ.
Thứ hai: Những người biết thông tin đó là sai nhưng vẫn cố tình đưa lên để câu view, trục lợi cho bản thân mình. Theo giải thích, cô không thể thông cảm với trường hợp này vì họ đang làm ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến giới trẻ.
Đương nhiên, hậu quả trực tiếp về những thông tin hướng nghiệp lệch lạc như vậy đối với các bạn trẻ là hoàn toàn có thể nhận thấy được. Nó sẽ gây ra tình trạng lãng phí chất xám, tài nguyên nhân lực; Gia tăng tỉ lệ làm trái ngành, thất nghiệp... Ngoài ra, các thông tin độc hại cũng sẽ khiến các bạn học sinh đang trong quá trình chọn ngành hoặc cả những bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng cảm thấy mông lung về lựa chọn của mình, từ đó rơi vào trạng thái chán chường, hoài nghi và dần dần có thể từ bỏ bê việc học.
"Đó cũng là lý do tại sao mình phải làm những video để đính chính thông tin, tránh các bạn trẻ bị hoang mang dẫn đến lựa chọn sai ngành nghề", Nguyễn Hà chia sẻ.
Theo Nguyễn Hà, thông tin hướng nghiệp lệch lạc ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn trẻ
Làm sao để chọn ngành, chọn nghề phù hợp?
Theo Nguyễn Hà, có một nguyên tắc trong việc chọn ngành nghề đó là: Ưu tiên chọn ngành trước rồi mới đến chọn trường. Và để có thể chọn được chuyên ngành phù hợp với bản thân, dưới đây là cách xác định:
- Định vị bản thân: Chọn ngành quan trọng nhất là phải phù hợp với điểm mạnh của bản thân, chứ không phải a dua chạy theo ngành xu hướng được đám đông lựa chọn, bởi ngành có thể rất tốt nhưng không phù hợp thì khả năng thành công cũng sẽ không cao. Vì vậy, bước đầu tiên trong việc chọn ngành nghề sẽ là hiểu rõ bản thân. Các bạn nên làm một bài test tính cách để phân tích bản thân về điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, cơ hội.
- Tìm kiếm thông tin về những ngành phù hợp với bản thân thông qua các kênh như: Kênh hướng nghiệp trên MXH (lưu ý xem video nào thì phải đọc bình luận của video đó để xem có nhiều bình luận phản biện hay không, nếu có quá nhiều bình luận phản biện, không đồng tình thì nội dung video đó chưa thực sự đáng tin); Đọc các đầu sách về hướng nghiệp uy tín; Tham khảo ý kiến của những anh chị đi trước, đang học những ngành mà mình quan tâm.
- Hệ thống thông tin và đưa ra lựa chọn theo bảng ưu tiên gồm 3 yếu tố sau: Ngành tiềm năng - Đáp ứng nhu cầu xã hội - Đúng đam mê và phù hợp với điểm mạnh, tố chất.
Nguyễn Hà cho rằng ưu tiên chọn ngành trước rồi mới đến chọn trường là rất quan trọng
Nguyễn Thị Phương Thảo - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn lớn về công nghệ, hiện là Trưởng phòng nhân sự tại VNG ZingPlay Studios, đồng thời là một Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế, cũng cho hay:
"Việc đầu tiên để chọn được ngành nghề phù hợp là các bạn cần hiểu rõ chính mình (Self Assessment), mình biết việc trả lời các câu hỏi: Mình có những điểm mạnh, điểm hạn chế gì, mình thích làm gì?… đa phần các bạn đều sẽ gặp khó khăn để tìm ra câu trả lời trong ngày một ngày hai. Và cũng không có nhiều người có thể tự tin nói rằng 'mình hiểu rất rõ chính mình và mình biết rất rõ mình muốn làm gì'. Những bạn này phải nói rằng thực sự 'rất may mắn', may mắn này cũng có thể là do chính các bạn tự tìm thấy", Phương Thảo chia sẻ.
Lật ngược vấn đề, vậy số còn lại "thiếu may mắn" sẽ phải làm gì để có thể tìm được câu trả lời? Dưới đây là một số gợi ý của Phương Thảo:
Bên cạnh những công cụ rất thịnh hành để "khám phá bản thân" như DISC, MBTI, 16PF Test, Holland Code Test… các bạn có thể tìm đến những sự hỗ trợ từ chuyên gia hướng nghiệp, chuyên gia khai vấn nghề nghiệp,
Đồng thời, các bạn cũng nên kiên trì quan sát bản thân trong cuộc sống để hiểu hơn về mình mỗi ngày. Sau khi hiểu được bản thân thì bạn sẽ dễ dàng khoanh vùng những lựa chọn hơn: chọn những điều mình thích hoặc có thể loại trừ những điều mình không thích. Tiếp đến, các bạn cần tập trung vào sự lựa chọn của mình để trải nghiệm và đưa ra được những kế hoạch hoặc quyết định phù hợp cho tương lai.
Nguyễn Thị Phương Thảo
Tổng hợp