Trần Lê Đức Anh, 24 tuổi, tốt nghiệp ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội với điểm tổng kết 8,57/10. Nhà trường cho biết điểm số của Đức Anh đứng đầu trong hơn 770 tân bác sĩ năm nay.

"Việc đỗ trường Y Hà Nội đã là một bước tiến lớn đối với mình, trở thành thủ khoa tốt nghiệp là điều mình chưa từng nghĩ có thể làm được", Đức Anh nói. "Đây là động lực để mình cố gắng hết sức ở kỳ thi bác sĩ nội trú, diễn ra trong vòng nửa tháng nữa".

Trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội cách đây 9 năm, Đức Anh trượt cùng lúc ba trường: chuyên Khoa học tự nhiên, Hà Nội - Amsterdam và chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Được vào một trường công lập nhưng suốt 3 năm THPT, thành tích của Đức Anh ở mức "làng nhàng", có kỳ là "học sinh tiên tiến" duy nhất, trong khi cả lớp đạt loại giỏi.

Nam sinh biết bố rất xấu hổ và trăn trở mỗi lần đi họp phụ huynh, nhưng chưa bao giờ trách móc mà còn động viên mình. Vì thế, Đức Anh dần tự tin hơn và nỗ lực học tập.

Mê truyện tranh "Bác sĩ quái dị", bị thu hút bởi những câu chuyện về lòng trắc ẩn trong truyện, Đức Anh yêu thích ngành Y. Dù không tự tin có thể đỗ Y Hà Nội, Đức Anh vẫn đặt trường ở nguyện vọng 1.

Năm 2018, đề thi tốt nghiệp được đánh giá khó, khiến điểm chuẩn của các trường thấp kỷ lục. Đức Anh giành 24,9 điểm, thừa 0,15 để trúng tuyển ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội.

IMG-1921-JPEG-5605-1722236376.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kdHf85ZlNjzlwrW-WhaYew

Trần Lê Đức Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đỗ đại học theo diện "suýt soát", trong khi rất nhiều bạn cùng khóa đến từ trường chuyên, có giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, Đức Anh có phần lo sợ khi bước vào năm thứ nhất, thậm chí còn tìm hiểu xem trượt bao nhiêu học phần thì bị đuổi học.

Nhưng cũng vì nỗi sợ đó, Đức Anh học chăm chỉ từ đầu. Không ngờ ngay kỳ I, nam sinh nằm trong số 10% sinh viên nhận học bổng khuyến khích học tập.

"Việc giành học bổng đã khiến mình dám tin mình là người học giỏi, từ đó hành động, suy nghĩ và nỗ lực đúng như người học giỏi trong trí tưởng tượng của mình", Đức Anh nói.

Ngoài tập trung nghe giảng trên lớp, nam sinh đọc tài liệu tiếng Anh, mượn sách vở từ anh chị đi trước. Sau đó, Đức Anh tự tổng hợp kiến thức bằng cách gạch đầu dòng những ý chính và từ khóa quan trọng.

"Cách ghi chép và lưu giữ kiến thức rất quan trọng. Đây cũng là kỹ năng mình mất cả 6 năm đại học để cố gắng hoàn thiện", Đức Anh chia sẻ.

Từ năm thứ 3, khi vừa phải học lý thuyết trên trường và học lâm sàng ở bệnh viện, thời gian đọc sách ít đi, Đức Anh gặp chút khó khăn nhưng dần thích nghi bằng cách đặt nhiều câu hỏi cho thầy cô. Sự tận tụy, hết lòng với cả bệnh nhân và học trò của thầy cô đã truyền động lực to lớn cho nam sinh.

Việc tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường cũng giúp Đức Anh học tốt hơn. Tại đây, nam sinh rèn được thói quen đọc sách nước ngoài, gặp được những anh em thân thiết, giúp thay đổi tư duy học tập. Năm ngoái, nam sinh thi đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS 8.0.

Song song đó, Đức Anh dành thời gian cho các sở thích cá nhân để cân bằng việc học, như chơi game, nghe nhạc, xem các giải thi đấu thể thao hay đi chơi cùng bạn bè.

Bác sĩ nội trú Lê Đại Minh, cựu chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh của Đại học Y Hà Nội, đánh giá nam sinh khá toàn diện.

"Đức Anh không đơn thuần là học gạo, bạn chơi tốt thể thao, biết chụp ảnh, được mọi người quý mến vì rất nhiệt tình, hết mình vì bạn bè", Minh nói. "Bạn luôn chủ động tìm tòi để làm rõ vấn đề, từ việc học đến các hoạt động khác. Cách tư duy tiếp cận các vấn đề chuyên ngành của Đức Anh cũng rất thực tế".

Dù tốt nghiệp thủ khoa, Đức Anh tự nhận bản thân không phải người hoàn hảo.

"Đôi khi mình thiếu kỷ luật dẫn đến việc sắp xếp thời gian không hợp lý, phải học trắng đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe", Đức Anh nói.

Nam sinh hy vọng thời gian tới rèn được tính kỷ luật tốt hơn làm hành trang bước vào nghề. Còn trước mắt, Đức Anh tập trung cho kỳ thi bác sĩ nội trú, mong muốn đạt kết quả cao để được tiếp tục học tập, noi gương thầy cô, đóng góp phần nhỏ bé vì người bệnh.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022