Năm nay, Ngân, lớp 12 ở Hà Nội, định đăng ký xét tuyển đại học theo ba phương thức, gồm dùng điểm thi đánh giá năng lực (HSA), xét điểm thi tốt nghiệp và xét kết hợp 7.0 IELTS với điểm thi.

Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm xét tuyển của các phương thức phải được quy đổi về chung một thang điểm. Hầu hết các trường chọn thang 30. Điều này có nghĩa điểm 90 đánh giá năng lực của Ngân sẽ được quy đổi theo công thức riêng của mỗi trường để về thang này.

Nữ sinh muốn đăng ký vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Thương mại và Đại học Ngoại thương. Tới đầu tháng 4, trường Thương mại đã công bố công thức quy đổi dự kiến với điểm HSA, cụ thể:

Điểm xét (tối đa 30) = (Điểm HSA * 30/150) * Ka + Điểm ưu tiên + Điểm thưởng. Trong đó, Ka là hệ số phản ánh sự chênh lệch về độ khó của bài thi/phân hóa trình độ thí sinh, được công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp.

Trường Ngoại thương chưa thông báo công thức quy đổi. Ngân tìm thêm thông tin về công thức của một số trường khác và đọc hướng dẫn của Bộ, nhưng "chẳng hiểu gì".

"Giờ có điểm HSA mà em không biết mức này sẽ được quy đổi ra bao nhiêu, là cao hay thấp, có thể tạm yên tâm hay chưa", Ngân nói. "Rắc rối và phức tạp quá".

233A5233-1743528059-8886-1743528414.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0O1_C_CDHiTQk5bgn8sPwA

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Là học sinh chuyên Toán, Thanh Quốc, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho biết em nắm bắt phần nào hướng dẫn quy đổi điểm xét tuyển của Bộ nhưng thấy nhiều bạn khác thì không. Quốc kể nhiều bạn chưa xác định thi vào ngành, trường nào sẽ phải theo dõi, so sánh công thức quy đổi của các trường để biết cái nào lợi hơn.

"Công thức quy đổi sẽ phức tạp, việc phải theo dõi công thức, hệ số của nhiều trường khiến chúng em bị rối, hoang mang", nam sinh nhìn nhận.

Ngoài ra, Quốc cho rằng công thức được công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT là khá muộn. Thời điểm này, thí sinh rơi vào bị động vì không còn khả năng cải thiện điểm số.

Em lấy ví dụ với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Nếu không có việc quy đổi điểm xét tuyển, sau khi nhận kết quả đợt 1 vào ngày 16/4 tới đây, thí sinh có thể so sánh kết quả của mình với điểm chuẩn những năm trước để dự đoán khoảng "an toàn" và quyết định dốc sức ôn luyện đợt sau hay chỉ tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng năm nay, các em không có giá trị nào để tham khảo.

"Không còn cách nào khác là chúng em phải cố gắng hết sức ở mọi kỳ thi nhưng sẽ gặp nhiều áp lực, căng thẳng hơn", Quốc nói.

Theo hướng dẫn của Bộ, từ tương quan giữa kết quả học tập ở đại học và phổ điểm các phương thức của cùng nhóm thí sinh những năm trước; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho tới mức tối đa của thang điểm xét, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (ví dụ là xuất sắc - giỏi, khá, đạt), từ đó xây dựng tối thiểu ba hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho các vùng điểm này.

Từ đó, căn cứ quy tắc Bộ công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh năm nay và đặc thù của chương trình, ngành đào tạo, trường đại học hoàn thiện quy tắc quy đổi.

Khảo sát của VnExpress với gần 1.800 độc giả hôm 29/3, khoảng 80% cho rằng cách quy đổi điểm xét tuyển đại học đang quá phức tạp, nên có cách đơn giản hơn.

Thí sinh bối rối với công thức quy đổi là "điều đương nhiên", theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra giữa tháng 3, không ít trong 20.000 học sinh, phụ huynh tham dự bày tỏ lo lắng vì chưa rõ về công thức quy đổi điểm giữa các phương thức. Nhiều học sinh cho biết có chứng chỉ IELTS 7.5, học lực giỏi, nhưng không dám chắc có lợi thế hơn thí sinh khác hay không.

Lý do là mỗi trường lại có một công thức quy đổi với hệ số khác nhau, chứ không phải là 75/150 điểm HSA sẽ bằng 15/30 điểm, theo ví dụ của thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng truyền thông và Tuyển sinh, trường Đại học Thương mại.

Điều này có nghĩa cùng một kết quả thi, thí sinh có thể có điểm xét khác nhau giữa các đại học. Ông Trung lấy ví dụ trường Đại học Thương mại sẽ ưu tiên thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, nên hệ số quy đổi cho phương thức này sẽ được tính cao hơn. Trong khi Đại học Bách khoa Hà Nội có thể ưu tiên thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực.

Ông Trung cũng đồng tình rằng thời điểm công bố công thức sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thí sinh. Bởi các năm trước, học sinh thường tham gia xét tuyển bằng nhiều phương thức, phổ biến là xét học bạ, sử dụng chứng chỉ và điểm các kỳ thi riêng.

"Nếu không biết sớm công thức quy đổi, thí sinh có thể lúng túng trong việc chọn ra phương thức chính, phải tập trung nhiều nguồn lực và công sức hơn", ông Trung nhận định.

quy-doi-1743612667-7254-1743612768.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X73gWo0z1Daw-t0eYpQhbw

Một ví dụ quy đổi điểm, theo dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các trường đang xây dựng công thức quy đổi dự kiến, dựa trên nhiều dữ liệu. Như Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến công thức căn cứ phân tích dữ liệu đầu vào, kết quả học tập của hơn 20.000 sinh viên trúng tuyển trong ba năm qua. Còn Đại học Bách khoa Hà Nội tạo ra công thức quy đổi dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp, phương thức được ưu tiên và điểm ở đại học của sinh viên khoá trước.

Chia sẻ với tâm trạng của thí sinh, song TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, khuyên các em tập trung ông tập, bởi quy tắc dù thay đổi thế nào, thí sinh có năng lực tốt... vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường, ngành tốt.

Đây cũng là lời khuyên của ông Phạm Tấn Hạ. Ông khẳng định công thức quy đổi sẽ theo nguyên tắc đảm bảo công bằng, thí sinh giỏi sẽ trúng tuyển.

Thùy Ngân tạm yên tâm sau khi so điểm của mình với các bạn và tra cứu điểm chuẩn năm ngoái của một số trường.

"Em đỡ lo hơn một chút", Ngân nói, song cho biết vẫn phải cố gắng tối đa cho kỳ thi tốt nghiệp vào cuối tháng 6 để tăng khả năng trúng tuyển.

Thanh Hằng - Lệ Nguyễn

*Tên một số học sinh được thay đổi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022