Nội dung này nằm trong chương trình "Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại Đại học Quốc gia TP HCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045", công bố chiều 1/3.

Theo đó, đến năm 2030, các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học môi trường, Kinh tế, Quản lý, Ngôn ngữ của Đại học Quốc gia TP HCM sẽ thuộc top 100-150; ngành Sinh học, Khoa học trái đất thuộc top 200-250 thế giới theo bảng xếp hạng QS.

Để hiện thực mục tiêu này, đơn vị này đưa ra 3 giải pháp lớn.

Thứ nhất là phát triển nhân tài khoa học lĩnh vực này bằng cách miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học; thu hút và tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành. Chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản gắn với công nghệ, nâng cao năng lực dạy Toán và khoa học cho giảng viên, giáo viên.

Thứ hai là tích hợp nghiên cứu cơ bản với công nghệ chiến lược bằng cách phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, Khoa học biển và một số ngành khác gắn với các công nghệ chiến lược.

Cuối cùng, Đại học Quốc gia TP HCM cần xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, dự kiến thành lập 3 phòng thí nghiệm để đào tạo và nghiên cứu về Vật lý, Hóa học, Sinh học.

img-5954-1743555867-1743555957-8746-7821-1743556100.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KJXsQjBaumbmR9vTOu6s9g

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại tọa đàm Phát triển các ngành khoa học cơ bản của Đại học Quốc gia TP HCM, chiều 1/4. Ảnh: VNUHCM

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc, nhận định đại học này có nhiều thuận lợi để phát triển khoa học cơ bản. Năm 2024, Đại học Quốc gia TP HCM có hơn 3.000 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có hơn 45% thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.

Ngoài ra, đây là đơn vị dẫn đầu cả nước về số chương trình đào tạo được xếp hạng thế giới, trong đó có nhiều chương trình thuộc lĩnh vực này cùng đội ngũ giảng viên hùng hậu (10 giáo sư, 71 phó giáo sư và 330 tiến sĩ).

Cách đây một tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hai đại học quốc gia đẩy mạnh đào tạo sinh viên các ngành khoa học cơ bản, khắc phục việc có lúc xem nhẹ nhóm ngành này.

Ông phân tích để phát triển trí tuệ, năng lực, ai cũng phải trải qua quá trình học tập các môn cơ bản; muốn học sâu, giỏi chuyên ngành đều bắt đầu từ khoa học cơ bản. Do đó, nếu không phát triển khoa học cơ bản sẽ khó phát triển công nghệ cao, khoa học quản lý.

Theo UNESCO, khoa học cơ bản là nền tảng của sự hiểu biết khoa học, cho phép chúng ta đưa ra các giải pháp sáng tạo để chủ động giải quyết các thách thức trong tương lai. Một số ngành được coi thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản là Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất (Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng...)

Tại Đại học Quốc gia TP HCM, những ngành như Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Khoa học môi trường... nhiều năm qua tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu. Một số ngành như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý chỉ duy trì tuyển khoảng 50-100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022