Thông tin được PGS.TS Nguyễn Hoàng Gia Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, nêu tại Lễ ký hợp tác với Tập đoàn dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG), chiều 15/4.

Ông Khánh cho biết đây là lần đầu tiên trường Đại học Kinh tế - Luật triển khai chương trình Co-op (hợp tác đào tạo giữa trường đại học với doanh nghiệp), bước đầu thí điểm ở ngành Hệ thống thông tin quản lý và Công nghệ tài chính.

img-4736-jpg-1713182150-1456-1713182445.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4LszncJL5KHl3ZPyOub7QQ

Trường Đại học Kinh tế - Luật và IDG Việt Nam ký kết ghi nhớ hợp tác, chiều 15/4. Ảnh: UEL

PGS.TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, cho biết ban đầu, trường dự kiến xen kẽ các học phần đào tạo tại doanh nghiệp với chương trình tại trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng đào tạo ngắt quãng, thời gian ngắn sẽ không hiệu quả bằng việc cho sinh viên đến làm việc mỗi lần ít nhất một tháng. Do đó, trường phải đẩy nhanh các tín chỉ lý thuyết, dành thời gian cho sinh viên đến học tập tại doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp sẽ hướng dẫn sinh viên các học phần liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn.

Trong hai năm đầu, sinh viên làm việc với vai trò thực tập sinh. Hai năm cuối, kết hợp với thời gian thực tập, sinh viên đủ khả năng làm việc như một nhân viên chính thức. Việc chấm điểm sinh viên ở mỗi môn học sẽ do doanh nghiệp và nhà trường cùng thực hiện. Trong đó, phần điểm từ phía doanh nghiệp sẽ chiếm tỷ trọng lớn.

"Chuẩn đầu ra, các học phần đào tạo không thay đổi và bằng cấp vẫn tương đương với những chương trình khác, nhưng sinh viên sẽ có nhiều thời gian được doanh nghiệp trực tiếp đào tạo, cầm tay chỉ việc", ông Phong nói.

Theo ông, mục tiêu của chương trình là giúp sinh viên tự tin, bắt nhịp ngay với công việc sau khi tốt nghiệp.

Thông thường, chương trình thực tập của sinh viên ở các trường đại học bắt đầu từ năm thứ ba, có trường từ năm thứ hai. Hiếm trường cho sinh viên đi thực tập từ năm thứ nhất.

Ngoài ra, nhiều trường phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên, chẳng hạn trong xây dựng giáo trình, nội dung học, đi thực tế... Song, điểm số của sinh viên hầu hết vẫn do giảng viên của trường đánh giá.

z5242155399121-bbc6febfcec51bf-5770-4209-1713182445.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7h5zKdG6SHwGBE_hmvc2BQ

Sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật trao đổi sau giờ học, ngày 8/3. Ảnh: UEL

Năm nay, trường Đại học Kinh tế - Luật dự kiến tuyển 2.600 sinh viên, giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh như năm ngoái.

Trong đó, trường xét tối đa 50% chỉ tiêu bằng điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khoảng 5% chỉ tiêu.

Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp (30-50% chỉ tiêu); theo diện ưu tiên xét tuyển của Đại học Quốc gia TP HCM (tối đa 20%), xét chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ hoặc chứng chỉ SAT/ACT/IB/A-Level (tối đa 10%).

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022