Yêu cầu các trường tiểu học đảm bảo sĩ số 35 học sinh một lớp được Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các địa phương trước thềm năm học mới.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hà Đông cho hay thực chất yêu cầu này đã nằm trong Điều lệ trường tiểu học từ năm 2020, nếu thực hiện được sẽ rất lý tưởng nhưng đến nay vẫn chưa thể.

"Sĩ số 35 chỉ phù hợp với các huyện hoặc quận lõi có dân số già, còn quận đang phát triển, có nhiều khu đô thị như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông sẽ không đáp ứng được", ông nói. "Sĩ số trung bình ở trường tôi đang là 55 nhưng ở Hà Đông, như vậy 'vẫn ít'. Nhiều trường còn trên 60".

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cũng cho rằng khó thực hiện sĩ số lớp 35 học sinh trong năm học này. Ở Tiểu học Hoàng Liệt, trung bình mỗi lớp hiện tới 51 em.

Hoàng Mai là quận đông dân nhất Hà Nội với hơn 500.000 người. Đây được xem là "điểm nóng" thiếu trường học, vì tập trung nhiều khu dân cư mới. Tháng 8/2022, quận còn thiếu 36 trường, gồm 13 trường tiểu học. Năm ngoái, quận Hoàng Mai quyết định xây 4 trường mới, trong đó có hai trường tiểu học.

Bà Hạnh hy vọng hai trường đang xây, rộng 11.000 m2 và 22.000 m2, có thể hoạt động vào năm sau để giảm áp lực về sĩ số.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó phòng Giáo dục quận Nam Từ Liêm, cũng nói khó. Sĩ số lớp bình quân, với cả công lập và ngoài công lập ở quận là khoảng 38,5 học sinh. Nếu tách riêng công lập, con số này là 47-48. Quận vừa có thêm 4 trường mới, trong đó có 2 trường tiểu học, đồng thời cải tạo và xây các phòng học ở 11 trường, giúp giảm sĩ số lớp còn trung bình hơn 40.

"Cơ bản năm nay ổn nhưng cũng không thể đạt 35 học sinh một lớp được", bà Tâm nói.

Theo các nhà giáo, phụ huynh, sĩ số đông đặt áp lực lên giáo viên và học sinh, khiến tương tác giữa thầy trò bị hạn chế.

Cô giáo Nguyễn Thị Quy từng dạy nhiều lớp có sĩ số 63-67 em ở một trường tiểu học thuộc quận Hà Đông. Sau khi nghỉ hưu cách đây hai năm, cô tiếp tục dạy hợp đồng cho một trường công khác trong quận, sĩ số lớp cũng trên 50.

Theo cô, lớp đông nên quản lý học sinh vất vả, nhất là vào giờ ăn, ngủ bán trú. Ngoài ra, cô mất nhiều thời gian hơn để chấm, chữa, nhận xét bài làm của học trò. Khối lượng công việc nhiều khiến cô ít thời gian nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn hay áp dụng các phương pháp dạy học tích cực cho hiệu quả.

Chị Vũ Thị Thanh ở quận Hà Đông cho hay trường các con diện tích nhỏ nhưng có tới hơn 1.800 học sinh. Các lớp đều có sĩ số từ 54 trở lên. Con gái lớp 4 của chị hiện ngồi cùng bàn với hai bạn khác, chỉ đặt được một tay lên bàn để viết.

Chị Đặng Thị Minh, trú quận Nam Từ Liêm, cũng ám ảnh vì lớp của con có gần 60 bạn, ngồi chật ních, lối đi giữa các dãy bàn khá hẹp. Con trai chị cao lớn, ngồi gần cuối nên không nhìn rõ bảng hay nghe được lời cô giảng. Đến giờ ăn trưa, lớp cũng không đủ chỗ ngủ.

"Tôi mong sĩ số lớp càng ít càng tốt", chị Minh chia sẻ. Cả hai bà mẹ đều mong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm được thực hiện.

hoc-sinh-lop-1-2805-1689871539-1176-4536-1723685829.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4TCenIs1YW16qAWmkSRxDQ

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội, ngày 22/8/2022. Ảnh: Giang Huy

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng quy định sĩ số 35 mỗi lớp của Bộ nhằm đảm bảo chất lượng, thầy cô có thể quan tâm, sát sao với học sinh. Song, với điều kiện hiện tại của thủ đô, đây là mục tiêu "cần cố gắng rất nhiều".

Theo Niên giám thống kê Hà Nội, năm vừa qua, thành phố có hơn 20.650 lớp ở tiểu học (cả công lập và tư thục). Với 77.820 học sinh, trung bình sĩ số một lớp là gần 38. Trong 30 đơn vị hành chính, chỉ hai quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và 8 huyện đạt sĩ số lớp dưới 35, còn lại đều vượt. Trong đó, con số này ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân trên 45, Hà Đông, Thanh Trì cũng gần 44.

Nếu tính riêng khối công lập, sĩ số trung bình một lớp là 39, có thể căng thẳng hơn ở những quận nội thành, bởi khu vực này chiếm gần một nửa trong hơn 8,4 triệu dân của Hà Nội.

Để đáp ứng yêu cầu của Bộ, Hà Nội cần thêm 1.580 lớp, tương đương ít nhất 53 trường tiểu học, trong khi nội thành "không còn đất", việc xây trường mới ở ngoại thành "cũng cần thời gian". Chưa kể, tăng số phòng hay trường học đồng nghĩa phải tuyển thêm giáo viên, cán bộ quản lý.

Hà Nội nhiều lần kiến nghị được hưởng cơ chế đặc thù, gồm thay đổi tiêu chí đánh giá từ diện tích đất trên mỗi học sinh sang dùng diện tích sàn; các trường ở nội thành được nâng tầng và xây thêm tầng hầm...

Tháng 7/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói ủng hộ vì "không gian đô thị có đặc thù riêng", nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn. Song việc này vẫn khó thực hiện do liên quan quy hoạch, tiền vốn và các quy định về xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy, thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành, theo đại diện Sở.

Hiện, Sở phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng lại mạng lưới quy hoạch trường học, đề nghị rà soát những dự án không đảm bảo, chậm tiến độ để thu hồi quỹ đất, chuyển sang xây trường học.

Ông Lê Đức Thuận, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, cho rằng ngoài tăng cường xây trường và phòng học mới; nâng cấp cơ sở vật chất hiện có còn cần mở rộng tuyển dụng và có chính sách thu hút giáo viên.

"Cũng cần tuyên truyền về lợi ích của quy định về sĩ số không quá 35 học sinh mỗi lớp để nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ từ cộng đồng", ông Thuận nói.

Bình Minh - Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022