Đầu xuân năm mới là dịp mọi người đến thăm họ hàng, người thân và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Trong dịp này, mọi người thường cùng nhau ăn bánh kẹo hoặc ngồi ăn bữa cơm thân mật. Người lớn vừa ăn uống vừa hàn huyên tâm sự những câu chuyện cũ, chúc nhau năm mới mọi sự hanh thông.
Tuy nhiên, việc đến chúc Tết nhiều nhà, phải ngồi xuống dùng bữa khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy khó chịu và có những phản ứng không hay. Đó cũng là câu chuyện "dở khóc dở cười" mà chị L. (35 tuổi, Phú Thọ) vừa trải qua.
"Đồ ăn không ngon, con không ăn đâu!" - Câu nói của con khiến mẹ muối mặt
Chị L. chia sẻ, con trai chị hiện đang học lớp 1. Tuy con được bố mẹ dạy bảo kỹ lưỡng quy tắc ứng xử ngày Tết như: Cách chúc Tết, phép tắc trên bàn ăn, phép tắc khi nhận lì xì,… nhưng tuổi con vẫn ham chơi, "dặn trước quên sau". Chính vì điều này đã khiến chị L. rơi vào tình huống ngượng đỏ mặt, chỉ biết gượng cười.
Chuyện là chiều mùng 1 Tết, gia đình chị L. sang nhà họ hàng, người thân. Ở quê chị có 1 tục lệ là hễ khách đến chơi thì chủ nhà sẽ sắp mâm mời cơm. Điều này gây phiền toái cho nhiều người bởi ngày Tết ai cũng bận rộn, việc ngồi xuống mâm cơm tốn nhiều thời gian. Nhiều chỗ, chị L. từ chối được, chỉ ăn bánh kẹo nhẹ nhàng. Nhưng không ít chỗ chẳng đừng, bắt buộc gia đình phải ngồi xuống dùng bữa khoảng 15-30 phút.
Ảnh minh họa.
Năm nay, chị L. đi chúc Tết được khá nhiều nhà. Đến nhà họ hàng gần, họ giữ lại ăn cơm. Từ chối chẳng được nên vợ chồng chị đành ngồi xuống. Cậu con trai lập tức phụng phịu và nài nỉ đòi về. Thấy con như vậy, chị nhẹ nhàng nói rằng gia đình mình chỉ ngồi chơi 20 phút thôi, con ăn ít món để mọi người cùng vui vẻ. Tuy nhiên, cậu bé có vẻ miễn cưỡng, không hài lòng.
Đến khi chủ nhà bưng mâm cơm ra, vừa đặt xuống chiếu thì con trai chị liếc mắt, phán một câu xanh rờn: "Đồ ăn không ngon, con không ăn đâu!". Cả nhà đang cười nói bỗng im bặt, mọi người ngượng ngùng nhìn nhau.
Chị L. kể lại tình huống trớ trêu: "Nghe con nói xong, mọi người cười trừ chứ chẳng biết phải làm sao. Tôi thì ngượng tím mặt, vội vàng chữa thẹn: 'Con không được nói như vậy nhé! Như thế là kém văn minh. Hơn thế mẹ thấy có nhiều món con thích ăn mà'. Sau đó, cậu bé vẫn ngồi ăn nhưng ai gắp cho thứ gì cũng lắc đầu nguầy nguậy. Tôi phát ngại vì con, rất bực mình".
Dạy con cách ứng xử khi đi chơi Tết
Ngay khi về nhà, chị L. đã nhẹ nhàng nhắc nhở con lại phép tắc hành xử khi đến nhà người khác chơi. Vì chủ nhà quý mến nên con cần ngồi xuống mâm dù không đói. Đó là phép tắc lịch sự, văn minh tối thiểu. Sau tình huống đó, chị L. cũng rút kinh nghiệm cho bản thân: Khi đưa con đến nhà người thân, họ hàng để chúc Tết không nên đưa con đi nhiều nhà và ngồi lâu bởi sẽ khiến con mệt mỏi, không còn hứng thú.
Bên cạnh đó, chị L. cũng chú trọng dạy con một số phép tắc sau:
- Dạy trẻ cách ứng xử khi nhận lì xì: Chị L. nói cho con nghe về ý nghĩa của bao lì xì ngày Tết là hình thức cầu chúc sự may mắn cho người được nhận, chứ không quan trọng giá trị lì xì bao nhiêu. Bên cạnh đó, chị còn dạy con biết cảm ơn, không xé bao lì xì trước mặt khách.
- Dạy trẻ cách ứng xử lúc ăn uống: Vào ngày lễ Tết, các gia đình thường mở tiệc đãi khách. Nhưng trẻ nhỏ hiếu động, không chịu ngồi im một chỗ mà hay chạy nhảy, quậy phá. Cách giải quyết của chị L. là nhắc con nên ăn một số món ăn yêu thích, sau đó ngồi ngoan chơi đồ chơi. Con tuyệt đối không được chê bai, so bì đồ ăn hay tỏ thái độ vùng vằng, khó chịu.
- Dạy trẻ cách ứng xử khi làm khách: Trước khi đi đâu, chị L. đều nói cho con biết, cũng như hướng dẫn cách xưng hô với những người ở đó. Khi đến chơi, chị chủ động dẫn trẻ vào giới thiệu để trẻ cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng. Bên cạnh đó, chị cũng tập cho con thói quen chủ động chào hỏi khách khi đến nhà. Và trẻ cũng nên biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự tiếp đãi nhiệt tình từ chủ nhà.