Tiến sĩ Mai là giảng viên duy nhất của trường được trao giải hôm 8/12/2022, với những đổi mới về phương pháp dạy học kết hợp (hybrid) trực tiếp và trực tuyến. Giải thưởng có tính cạnh tranh, theo chị Mai, bởi hồ sơ của mỗi ứng viên được đề cử dày hàng chục trang, gồm kết quả giảng dạy, đánh giá của người học và đồng nghiệp, thư nhận xét của trưởng khoa và giám sát viên phụ trách giảng viên đó.
Trên website, Đại học Flinders đánh giá phương pháp sư phạm cá nhân hóa của tiến sĩ Mai kích thích sự tương tác và phản xạ của từng sinh viên, truyền cảm hứng và tác động đến họ để đạt được thành công trong học tập và việc làm. Giáo sư Kris Natalier, trưởng khoa Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội - nơi chị Mai giảng dạy, đánh giá nữ giảng viên người Việt là một trong những nhà giáo tiêu biểu của trường. "Tiến sĩ Mai liên tục nhận được phản hồi xuất sắc từ sinh viên. Họ ghi nhận cách tiếp cận sáng tạo của cô ấy với nội dung giảng dạy", vị trưởng khoa cho biết.
Theo chị Mai, trước đây các lớp học trực tuyến và trực tiếp thường tách biệt. Chị đã thiết kế các tình huống và sử dụng công cụ công nghệ để học viên ở bất kỳ đâu cũng có thể đóng góp vào bài giảng và có trải nghiệm trong lớp học như nhau. "Dù học trực tuyến hay trực tiếp, sinh viên có thể trả lời câu hỏi, làm bài tập, tương tác với giảng viên và các bạn học khác", chị Mai nói.
Chị Mai cho biết giải thưởng rất có ý nghĩa với chị sau 6 năm làm việc tại đây. Đó là sự công nhận giá trị, nỗ lực và niềm đam mê của chị với việc giảng dạy tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng. Giải thưởng cũng cho chị niềm tin vào con đường đang theo đuổi, mang lại nhiều năng lượng, động lực và cảm hứng. "Nếu tôi có thể truyền cảm hứng cho học trò, thì tôi tin là họ cũng có thể truyền cảm hứng cho học sinh của họ. Vì vậy, tôi thấy như mình đang chạm vào không chỉ hàng trăm học viên trong khóa học mà thực tế có thể nhân số đó lên hàng chục hoặc hàng trăm lần", chị Mai chia sẻ. Năm ngoái, chị đã được trao giải thưởng giảng dạy xuất sắc của khoa Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội.
Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai chụp ảnh ở thành phố Adelaide, tháng 1/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Được truyền cảm hứng từ người mẹ là giáo viên và học tiếng Anh từ bố, tình yêu của chị Mai đối với ngôn ngữ và giảng dạy nảy sinh từ khi chị còn là một cô bé. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) năm 1989, chị giành học bổng Chính phủ Australia sang Đại học Sydney học thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh (TESOL) năm 1999. Nhiều năm sau đó, chị quay lại đây với học bổng tiến sĩ, sau tiến sĩ tại Đại học New South Wales. Chị Mai từng giữ chức trưởng khoa đại cương (nay là khoa tiếng Anh chuyên ngành) và Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại Đại học Hà Nội.
Sau nhiều năm giảng dạy tại Việt Nam, chị Mai muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực đào tạo giáo viên trong môi trường đại học quốc tế. Năm 2017, chị nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí giảng viên ở một số trường đại học của Australia, trong đó có Đại học Flinders ở thành phố Adelaide, thủ phủ Nam Australia.
Chị Mai nói giữa hàng trăm hồ sơ gửi về Đại học Flinders, điểm sáng của chị là tốt nghiệp tiến sĩ Đại học New South Wales, một trong 8 đại học danh tiếng (G8) ở Australia, giành giải thưởng luận văn tiến sĩ xuất sắc với hai điểm A và có kinh nghiệm học tập, giảng dạy ở Mỹ, Anh, Bỉ và Australia. Theo chị Mai, ứng viên cần đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy mình nổi bật và phù hợp. "Nếu từng hướng dẫn học viên cao học, bạn phải nêu rõ đã hướng dẫn ai, tốt nghiệp năm nào và về chủ đề gì, kết quả đạt được ra sao", chị Mai cho hay.
Sau vòng hồ sơ, chị vào vòng phỏng vấn cùng 7 ứng viên khác và trở thành người duy nhất được chọn. Hiện, chị Mai là giảng viên châu Á duy nhất dạy ngành Sư phạm tiếng Anh ở khoa Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội của Đại học Flinders, cũng như ở Nam Australia.
Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai (phải) nhận giải thưởng giảng dạy xuất sắc tại Đại học Flinders hôm 8/12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những ngày đầu đi dạy ở Đại học Flinders, chị Mai hào hứng nhưng cũng lo lắng. Nhờ chuẩn bị kỹ bài giảng và được sinh viên đón nhận, chị dần trở nên tự tin. Kinh nghiệm giảng dạy ở Việt Nam và quốc tế hơn 20 năm giúp chị nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Theo chị Mai, để dạy tốt, giảng viên cần soạn bài thật kỹ, suy ngẫm sau bài giảng để phát huy những mặt mạnh và điều chỉnh những điểm chưa tốt. Muốn vậy, giảng viên phải lấy người học làm trung tâm, tìm hiểu kỹ về họ để "may đo" nội dung cũng như cách tiếp cận sao cho vừa vặn. Cùng một môn học đã từng dạy ở Việt Nam, chị Mai phải tiếp cận và đưa ra ví dụ khác khi dạy cho các học viên đến từ nhiều quốc gia. Chị cũng học cách sử dụng nhiều phần mềm, gắn nội dung bài học vào trò chơi điện tử để sinh viên hứng thú và bị cuốn vào bài giảng.
"Đối với tôi, chơi là một nhiệm vụ học tập nghiêm túc", chị Mai nói. Theo chị, thay vì tập trung vào dạy, truyền tải thông tin một chiều, giảng viên cần tập trung vào hiệu quả học tập của học viên, thông qua việc thường xuyên đặt câu hỏi để khuyến khích họ suy nghĩ độc lập và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm có tính tương tác cao. Giảng viên phải cùng học tập với học viên, quan sát ánh mắt, biểu cảm gương mặt và sự hợp tác của họ. Chị Mai thường cho sinh viên làm những bài tập tình huống gần gũi với thực tế, từ đó áp dụng những gì được học. Để biết bài giảng của mình có được yêu thích và hiệu quả không, chị lấy ý kiến đánh giá thường xuyên của học viên, làm phiếu kín sau mỗi giờ học. Theo chị Mai, nhiều học viên đánh giá cao các hoạt động đa dạng của chị. "Cô Mai rất vui vẻ. Bài học được thiết kế cụ thể và dễ theo dõi. Tôi được truyền cảm hứng và luôn mong đợi giờ học của cô ấy vì không khí lớp học khiến tôi cảm thấy dễ chịu, an toàn và được khích lệ", chị Mai dẫn ý kiến của một học viên.
Trong khi luôn có các hoạt động thú vị, chị Mai cũng đặt ra cho sinh viên nhiều nhiệm vụ. "Trong văn hóa Việt Nam, bạn chỉ có thể trở thành một giáo viên giỏi nếu bạn làm việc chăm chỉ. Và nếu học sinh của bạn chăm chỉ, bạn là một giáo viên thành công. Tinh thần làm việc chăm chỉ luôn có trong gen của tôi", chị Mai chia sẻ. Chị cho biết ban đầu nhiều sinh viên sốc khi chị yêu cầu họ dành 13,5 giờ mỗi tuần cho môn học, trong đó có hai giờ hội thảo, 11 giờ để đọc, viết và tương tác.
Cho rằng dạy ngôn ngữ không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một khoa học, tham vọng của chị Mai không chỉ là "chạm" vào cuộc sống của các sinh viên đến từ nhiều nơi trên thế giới, giúp họ được cấp bằng mà còn giúp họ tự học và tự nghiên cứu. "Nhiều sinh viên của tôi rất tò mò về việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy ngôn ngữ. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, dạy học kết hợp, ứng dụng trò chơi hóa việc dạy ngôn ngữ và cũng như số hóa các tài liệu", nữ giảng viên nói.
Hơn một năm qua, chị Mai đã chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy qua nhiều hội thảo hay các cuộc trò chuyện trực tuyến. Chị xem đây cũng là cơ hội phát triển bản thân và chuyên môn. "Tôi cho đi nhưng cũng nhận lại nhiều tình cảm yêu mến của hàng nghìn giáo viên người Việt trong và ngoài nước", chị Mai cho biết.
Sắp tới, chị sẽ có hai tháng trau dồi chuyên môn sư phạm và năng lực nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh, sau khi giành một học bổng của ngôi trường danh tiếng này.
Bình Minh