Khoa hiện là sinh viên năm thứ hai ngành Quan hệ quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). Nam sinh đã đạt 8.5 IELTS từ hai năm trước, khi còn là học sinh lớp 12 của trường THPT Quốc học Huế. Khoa chia sẻ, em chọn viết về chủ đề này vì vừa liên quan đến ngành học, vừa có thể rèn kỹ năng viết. "Chứng chỉ IELTS của em hết hạn vào tháng hai tới. Em muốn có thể lấy chút lộc may từ việc khai bút, cố gắng đạt mục tiêu cao hơn", Khoa nói, cho biết ngoài IELTS, nghiên cứu khoa học cũng là chủ đề mà em quan tâm trong năm 2023.
Khai bút từ sáng mùng 1 Tết, Trần Việt Quang, học sinh lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) đã làm một bài Reading (Đọc) trong đề thi thử IELTS. Kết quả, em làm chính xác 32/40 câu. "Em hy vọng đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS sắp tới", Quang nói, đặt mục tiêu đạt 8.0 IELTS để thuận lợi cho việc xét tuyển đại học hoặc làm hồ sơ du học trong hai năm tới. Nam sinh chia sẻ gia đình em thường cùng khai bút vào mùng 1, cả nhà viết những lời hay ý đẹp để cầu cho những dự định sắp tới thành công.
Hoàng Long làm khai bút với đề ôn thi vào lớp 10 môn tiếng Anh, sáng mùng 1 (22/1). Ảnh: Thanh Hằng
Với những học sinh lớp 9, lớp 12, nhiều em khai bút đầu xuân cùng mong muốn vượt qua kỳ thi chuyển cấp quan trọng.
Gần trưa mùng 1 Tết, Nguyễn Hoàng Long, lớp 9A10, trường THCS Sài Đồng (Hà Nội), khai bút với đề ôn vào lớp 10 ba môn Văn, Toán, tiếng Anh. Long mang bài tập ra chiếc bàn đặt ở vườn "để yên tĩnh" làm, thay vì dùng bàn học trong phòng. Nam sinh hoàn thành một đề Toán, hai đề Tiếng Anh và ba đề Ngữ văn. Đây là bài tập Tết mà nam sinh cần hoàn thành trong kỳ nghỉ 7 ngày.
Long nói biết tới tục khai bút đầu xuân từ khi vào THCS và bắt đầu thực hiện từ năm lớp 7, thường vào sáng mùng 1. Năm nay, Long phải vượt qua kỳ thi vào lớp 10, nam sinh khai bút với mong muốn sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi này. "Em hy vọng có thể đỗ nguyện vọng 1 là trường THPT Nguyễn Gia Thiều hoặc Phúc Lợi", Long nói.
Ánh Hồng, học sinh lớp 12, trường THPT Thái Lão, Nghệ An, đã làm đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Toán vào sáng mùng 1. Nữ sinh cho rằng việc khai bút đầu xuân giúp em thấy hứng khởi, có nhiều năng lượng tích cực để bắt đầu một năm mới. Hồng hy vọng có thể chinh phục một suất vào trường Đại học Dược Hà Nội bằng tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa).
Trong khi đó, ở Hà Nam, Lê Bảo Ngọc, lớp 5, trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (TP Phủ Lý) lần đầu khai bút với bài tập Tết, theo chỉ dẫn của cô giáo và mẹ. Tối mùng 1, Ngọc làm bài tập Toán, môn học mà em "đuối" nhất với mong muốn cải thiện kết quả môn này. Ngọc nói việc làm bài tập trong ngày mùng 1 Tết khá lạ lẫm, nhưng em cũng hào hứng khi biết ý nghĩa của phong tục này.
Bảo Ngọc khai bút tối mùng 1 Tết với bài tập môn Toán, ngày 22/1. Ảnh: Thanh Hằng
PGS.TS Dương Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết ở Trung Quốc, lễ khai bút thường diễn ra trong ngày đầu tiên đi học của trẻ em. Còn ở Việt Nam, tục khai bút gắn liền với dịp tết, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày xưa, tục khai bút thường được các học sĩ, nhà nho thực hiện với ước nguyện năm mới suôn sẻ, thi cử đỗ đạt, sự nghiệp văn chương rộng mở. Người dân thường đến các thầy đồ để xin chữ thể hiện khát vọng của cá nhân hoặc gia đình cho một năm mới.
Ông Tuấn Anh nhận định theo thời gian, tục khai bút đầu xuân có nhiều thay đổi, mang tính đại chúng, không còn hoàn toàn gắn với cây bút, hiên mực như ngày xưa mà gắn liền cùng hoạt động cụ thể như làm việc, làm bài, viết chữ. Mọi người thường chọn một giờ tốt, ngày tốt để bắt đầu viết dòng chữ may mắn hay làm những việc đầu tiên cho năm mới thể hiện sự trân trọng trong học hành cũng như công việc, kỳ vọng một năm mới sẽ tốt hơn. "Khai bút đầu xuân không chỉ là hoạt động kết nối được lưu truyền hàng trăm năm mà vun đắp cho những định hướng tương lai về học tập lẫn công việc", ông nói.
TS Nguyễn Ánh Hồng, chuyên gia nghiên cứu Văn hóa học, cũng cho rằng ngày nay tục lệ này đã có nhiều thay đổi như khai bút bằng làm bài tập, viết thư tay hay viết trên mạng xã hội. Tuy vậy, tục khai bút vẫn giữ nguyên ý nghĩa khai nở những dòng cảm xúc, ước mơ tốt đẹp vào mùa xuân. Theo bà Hồng, thời gian đẹp nhất để khai bút là sáng mùng 1 Tết Nguyên đán - buổi sáng đầu tiên của năm mới.
Thanh Hằng - Ngọc Linh