Trong môi trường làm việc, nếu muốn thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng tốt với sếp, chúng ta phải báo cáo thường xuyên và kịp thời một số chuyện như tiến độ công việc, trường hợp khẩn cấp, báo cáo quan trọng,...

Tuy nhiên, có một số chuyện, bạn tuyệt đối không nên chia sẻ với sếp. Có người nghĩ rằng, nói những điều này thì biết đâu bạn có thể lấy được lòng tin của lãnh đạo và được ưu ái. Thế nhưng, thực chất điều này sẽ không xảy ra.

Chuyện riêng tư của người khác

Mỗi người đều có những chuyện riêng tư của mình, đó cũng chính là điểm yếu, đánh vào lòng tự trọng của chính họ. Đôi khi, nếu cấp trên muốn tìm hiểu ai, hay muốn tìm điểm nhạy cảm của ai đó, họ sẽ hỏi về những chuyện cá nhân, riêng tư. Thế nhưng trong trường hợp này, bạn không nên nói ra, dù đó có là lãnh đạo lớn hay nhỏ, bạn cũng đừng tiết lộ.

Chúng ta nên hiểu rằng, người khác tiết lộ chuyện riêng tư với bạn là vì họ tin tưởng. Nhưng nếu bạn lợi dụng điều đó để lấy lòng lãnh đạo, điều này không chỉ làm giá trị đạo đức bị ảnh hưởng mà có thể nó còn khiến bạn bị coi thường.

photo-3-17086862878361353628304.png

Khi bạn nói ra, đồng nghiệp chắc chắn sẽ không tin tưởng bạn, thậm chí còn có thể sinh ra sự thù ghét. Còn phía lãnh đạo, khi đã nắm được thông tin, có thể họ sẽ cảm ơn bạn, nhưng họ cũng sẽ không đánh giá cao về khả năng giữ lời hứa của bạn. Điều này đồng nghĩa với việc, sếp sẽ không để bạn nắm giữ những vị trí hay dự án quan trọng.

Những bí mật không nên biết

Đôi khi trong môi trường công sở, có một số bí mật mà bạn tình cờ biết được. Lúc này, bạn nên nhớ, đây chỉ là sự vô tình và bạn có thể biết cũng được, không biết cũng không ảnh hưởng gì. Vậy nên, đừng cố tình nói điều này với ai khác, vì có thể người nói không có ý định nhưng người nghe thì có.

Nếu bạn vô tình buột miệng nói cho người khác biết, sẽ không có gì đảm bảo, họ sẽ hoàn toàn giữ kín và không phản bội bạn.

Đặc biệt, bạn lại càng không nên nói bí mật ấy với lãnh đạo. Nếu họ vô tình muốn kiểm tra xem bạn có biết không thì hãy khẳng định mình không rõ. Bởi có những bí mật, có thể sẽ gây ảnh hưởng hoặc nguy hiểm cho chính công việc và cuộc sống của bạn

photo-2-1708686285922637130738.png

Mâu thuẫn giữa bạn và đồng nghiệp

Nếu bạn đang có xích mích với đồng nghiệp, vô tình sếp biết được nên chủ động hỏi ý kiến của bạn, lúc này, chúng ta không nên giả vờ khó chịu, bực giận hay nói xấu đối phương rồi mách sếp để tìm lại sự công bằng.

Nếu làm như vậy thì bạn còn quá non nớt. Điều này không chỉ khiến bạn không thể giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp và còn khiến sếp đánh giá thấp khả năng của chính bạn. Họ sẽ nhìn nhận rằng, nếu một vấn đề quá nhỏ như thế mà chính bạn còn không tự giải quyết được thì sao có thể nắm được những công việc, dự án lớn hơn. Hoặc có thể, họ cho rằng bạn quá nhỏ nhen, ích kỷ và chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân.

Nếu được sếp hỏi, bạn chỉ nên phản hồi đơn giản là mỗi người mỗi quan điểm, không có mâu thuẫn gì không thể hòa giải, và bạn sẽ tự mình giải quyết chuyện đó.

photo-1-17086862841851566175059.png

Những lời không hay về lãnh đạo

Lãnh đạo dù có giỏi đến đâu, chắc chắn vẫn sẽ có những người bất mãn, khó chịu hoặc không thích. Chắc chắn, họ sẽ không tránh khỏi những lời nói ra nói vào, bàn tán hay phàn nàn. Có thể những gì họ nói là đúng, nhưng đó chỉ là bộc lộ cảm xúc riêng tư, và bạn không nên tham gia vào những chuyện này.

Tuy nhiên dưới góc độ của một người lãnh đạo, đôi khi họ sẽ muốn biết cấp dưới nghĩ thế nào về mình, nên họ sẽ dò hỏi một số nhân viên. Nếu người đó là bạn thì tôi nghĩ bạn không nên tiết lộ những điều này. Bạn đừng đánh mất bất cứ điều gì chỉ để làm hài lòng lãnh đạo và lấy lợi nhuận về mình.

Bởi đôi khi, chính điều này sẽ làm phản tác dụng. Sau khi sếp biết được những gì nhân viên nói về mình, thì chính anh ta cũng sẽ không tin tưởng bạn nữa. Họ sẽ không đánh giá cao khả năng giữ lời hứa và chữ tín của bạn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022