Thùy Linh, sinh viên năm thứ ba ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, bảo vệ khóa luận hôm 27/5.

Nghiên cứu của Linh có chủ đề: "Truyền thông về văn hóa đa quốc gia trong môi trường trò chơi nhập vai hành động thế giới mới (ARPG)", qua phân tích game Genshin Impact, đạt 9,5/10 điểm.

Linh cho hay biết đến game này cách đây ba năm khi tình cờ nhìn thấy tạo hình của nhân vật. Đây là tựa game nhập vai, người chơi sẽ khám phá bản đồ, địa lý, thiên nhiên, con người và văn hóa ở 5 vùng đất, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu cổ, Pháp, Trung Đông và Nam Á.

Dù đi học, đi làm thêm cả ngày nhưng Linh vẫn tranh thủ chơi vào buổi tối hoặc cuối tuần.

Một lý do khác là Genshin Impact nổi tiếng, với 60 triệu người chơi trên thế giới, đạt doanh thu 5 tỷ USD nhanh nhất trong 40 tháng, theo Data.ai, trang thống kê về game. Ngoài ba ngôn ngữ lồng tiếng là tiếng Anh, Nhật, Trung, game còn có 18 thứ tiếng khác, gồm tiếng Việt.

"Nó xứng đáng là ví dụ cho chủ đề em chọn về văn hóa đa quốc gia", Linh nói.

linh1-6342-1718198720.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NLi0sVB05pk22oXfmoOZkg

Nguyễn Thùy Linh trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, hồi tháng 5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ sinh cho hay thích chọn chủ đề mới mẻ trong khóa luận. Cũng vì thế, cô gặp khó trong tìm kiếm tài liệu. Linh phải đọc nhiều nguồn nước ngoài hay nhờ bạn bè ở Trung Quốc tìm kiếm giúp.

"Có một số nghiên cứu nhưng ở khía cạnh kể chuyện hoặc truyền thông, khác cách mà mình muốn khai thác", Linh kể.

Khóa luận của Linh không sử dụng phương pháp nghiên cứucơ bản như khảo sát, Google Form mà phỏng vấn sâu. Nữ sinh soạn câu hỏi, liên hệ với 10 người chơi, tuổi từ 14 đến 25, trong khoảng hai tuần. Phần lớn cho biết nhận ra được các nền văn hóa đan xen trong game.

"Điều đó cho thấy game thành công trong việc truyền tải văn hóa", Linh giải thích.

Phương pháp này được TS Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, đánh giá cao. Linh là sinh viên đầu tiên ông hướng dẫn làm khóa luận liên quan đến game online.

"Đây là nghiên cứu định tính, do đó, đánh giá và trải nghiệm của tác giả đặc biệt quan trọng khi phân tích dữ liệu, giúp tránh được những quan điểm thiên lệch", TS Thắng nhận định.

Linh có lợi thế là người chơi game này trong ba năm nên có kinh nghiệm và trải nghiệm với trò chơi. Tuy nhiên, tiến sĩ Thắng cho biết học trò cũng gặp khó khăn khi phải liên hệ người chơi từ nhiều quốc gia để phỏng vấn sâu. Khóa luận của Linh được ông chấm 9,8 điểm.

Linh cho hay có mẹ là giảng viên đại học nên được truyền cảm hứng về học tập và nghiên cứu. Từ ngày mới vào đại học, cô đã lên kế hoạch ra trường sớm để học thạc sĩ. Nữ sinh dành gần hai năm đầu học các môn đại cương, bắt đầu học các môn chuyên ngành từ kỳ 2 năm thứ hai trở đi. Năm ngoái, Linh đăng ký 26-28 tín chỉ một kỳ, trong khi thông thường khoảng 20. Theo quy chế của trường, khi tích lũy đủ 110 tín chỉ, nữ sinh được bảo vệ khóa luận, dù mới học năm thứ ba.

Ngoài học ở trường Nhân văn, Linh học thêm buổi tối ở một trường đào tạo về thiết kế đồ họa. Cô cũng làm thêm ở mảng marketing, truyền thông cho doanh nghiệp. Theo nữ sinh, điều quan trọng là phải sắp xếp công việc thật khoa học.

Linh có một danh sách môn học, học xong môn nào sẽ đánh dấu. Mỗi kỳ, nữ sinh chỉ chọn 1-2 môn khó để tránh bị kéo kết quả học kỳ xuống nếu điểm thấp. Thời điểm ôn thi, Linh không làm thêm mà tập trung học để giành điểm cao.

"Mình muốn học nhiều nhất có thể trong ba năm đại học", Linh cho biết.

Nữ sinh nhiều lần nhận được học bổng khuyến khích học tập, điểm trung bình hiện tại là 3,6/4. Linh chỉ còn một môn học và đợt thực tập là hoàn thành chương trình đại học.

Linh đang chuẩn bị hồ sơ để du học Australia.

"Mình muốn làm việc trong lĩnh vực truyền thông và tìm kiếm cơ hội nghiên cứu, giảng dạy trong trường đại học", Linh nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022