Phan Trần Hà Linh, lớp 12 Anh 2, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận tin trúng tuyển ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), hôm 29/4.

Theo xếp hạng của QS 2024, NUS xếp thứ 8 thế giới, với học phí 33.000 SGD (hơn 600 triệu đồng) một năm.

Nữ sinh nhìn nhận các trường ở Singapore đề cao thành tích học thuật, điểm số và giải thưởng. Trong khi đó, Linh đánh giá điểm của mình không quá cạnh tranh - GPA (điểm trung bình học tập) đạt 9,3, IELTS 8.0 và SAT 1480/1600.

"Vì thế, em thuyết phục hội đồng tuyển sinh bằng bài luận thể hiện sự sáng tạo và khả năng lãnh đạo", Linh nói.

nu-sinh-2766-1714668417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i17j28dgIlGRefOY_bO3IA

Phan Trần Hà Linh giành giải nhất trong một cuộc thi về đổi mới sáng tạo hồi tháng 1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

NUS đưa ra 5 bài luận, từ 550 đến 1.100 ký tự. Trong đó, một đề yêu cầu ứng viên kể về một thành tích, gắn với 5 giá trị NUS đề cao gồm sự đổi mới, kiên cường, xuất sắc, chính trực và tôn trọng. Nữ sinh đánh giá bài viết này thách thức vì yêu cầu kể chuyện theo giá trị của trường. Việc tìm được một câu chuyện chứa nhiều giá trị như vậy không đơn giản. Linh cũng quen viết bài luận dài, giờ phải gói gọn các ý trong 12-14 dòng nên thấy khó.

"Hồ sơ của em tập trung vào bộc lộ tính cách, tuy nhiên số ký tự quá ít, không đủ để kể chuyện", Linh cho hay. "Cuối cùng, em quyết định viết về đam mê móc len".

Cách đây gần 2 năm, Linh học móc len vì muốn tặng một món quà đặc biệt cho bạn thân. Em lên YouTube tìm các video hướng dẫn, bắt đầu từ những kỹ thuật cơ bản như mũi đơn, mũi kép, rồi tạo khung hình tròn để làm được những hình thú ngộ nghĩnh. Nữ sinh thấy khó nhất là tay trái luôn phải ghì chặt để cầm được len sao cho không bị lỏng mà cũng không chặt tay quá. Cũng không ít lần, em móc không đều hoặc phải tháo ra làm lại nhiều lần vì bị rối len.

Sản phẩm đầu tay của Linh là chiếc áo cho bố, làm trong ba tháng. Dù chưa đẹp mắt, em cảm thấy tự hào vì hoàn thiện được kỹ năng móc đều tay và sự cẩn thận. Chia sẻ lên trang cá nhân làm kỷ niệm nhưng Linh bất ngờ được nhiều người hỏi thăm, hỏi mua. Tháng 4/2023, Linh mở một shop bán đồ móc len trên Instagram, với tên gọi July (tháng 7).

nu-sinh1-2944-1714668417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C4-3rLWkspGaYbL2DvXy8w

Linh (giữa) hướng dẫn các bạn nhỏ ở mái ấm dành cho trẻ khuyết tật ở Hà Nội cách móc len, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những ngày đầu, Linh móc hình con thú hoặc nhân vật trong phim Alice ở xứ sở thần tiên. Khi phim Spiderman (Người nhện) ra mắt, em thử làm chiếc mũ len của nhân vật và được nhiều người đặt hàng. Mỗi sản phẩm có giá từ 40.000 đồng đến 150.000 đồng, đắt nhất là 180.000 đồng, tùy độ phức tạp và thời gian.

"Mỗi món đồ được làm trong 1,5-3 tiếng. Trung bình, mỗi tuần em nhận 2-3 đơn hàng, nhiều lúc 10-11 đơn/tháng, cho thu nhập hơn hai triệu đồng", Linh kể.

Để quảng bá sản phẩm, nữ sinh tự viết bài, chụp ảnh, thiết kế và làm video ngắn. Bài viết và video được đăng vào nhiều khung giờ để Linh xác định xem thời điểm nào có nhiều tương tác nhất. Linh còn tham gia cộng đồng Crochet (móc len) ở nước ngoài để giao lưu và học hỏi kỹ thuật, học cách đóng gói và làm việc, ký hợp đồng với bên chuyển phát.

Theo Linh, bài luận này đã thể hiện sự kiên nhẫn, tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo của bản thân.

Ở một bài luận khác, Linh viết về kỳ thực tập ở bộ phận marketing tại công ty dược mỹ phẩm hồi lớp 11. Nhiệm vụ của em là sáng tạo nội dung để làm video đăng Tiktok. Linh cũng được tham gia khảo sát tại các trường THPT để nắm bắt nhu cầu của học sinh trong việc chăm sóc da. Nhờ đó, em học được cách phỏng vấn và thu thập thông tin.

"Trải nghiệm này giúp em có sự chuẩn bị từ sớm cho ngành học yêu thích", Linh nói. Trước khi có bài luận ưng ý, Linh phải viết đi viết lại, cân nhắc từ ngữ, cấu trúc suốt hai tháng để vừa đủ ý, vừa đáp ứng giới hạn về ký tự của NUS.

Nữ sinh thể hiện khả năng lãnh đạo thông qua những hoạt động ngoại khóa. Ở trường, em là phó ban nội dung của câu lạc bộ về môi trường, chịu trách nhiệm lên ý tưởng, tổ chức sự kiện và truyền thông. Để làm được việc, Linh đã đăng ký và học các khóa marketing trên coursera (nền tảng cung cấp các khóa học online) về logo, thương hiệu...

Em cũng mở dự án "Ad Flora" kêu gọi học sinh trong trường quyên góp quần áo cho trẻ khuyết tật. Linh tự tay làm các sản phẩm từ len tái chế, bán lấy tiền để tổ chức những buổi hướng dẫn các em nhỏ cách móc len.

Nhắc đến Linh, cô Nguyễn Đức Thủy Chung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, ấn tượng nhất ở khả năng sáng tạo.

"Linh khéo tay. Bạn ấy vẽ, sử dụng hình ảnh và thuyết trình rất tốt", cô Chung nhận xét.

nu-sinh2-2417-1714668417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5ZUeg2FBWNYgJK1NewJ9Ng

Sản phẩm móc len mà Linh đăng bán trên Instagram. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 9 tới, Linh sẽ sang Singapore du học. Từ kinh nghiệm của mình, Linh cho rằng các ứng viên nên tập trung làm nổi bật hồ sơ bằng các chứng chỉ quốc tế, bài luận và hoạt động ngoại khóa, dự án liên quan đến ngành định học.

"Em thích môi trường ở Việt Nam và dự định về nước khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp", Linh nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022