Hội đồng tuyển dụng Đại học Quốc gia TP HCM chiều 3/5 công bố kết quả tuyển dụng đợt đầu theo đề án VNU350 (chương trình thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc đến năm 2030).
Trong 33 hồ sơ, 14 người trúng tuyển, sau các vòng phỏng vấn và xét duyệt định hướng, kế hoạch nghiên cứu của từng người.
Người trẻ nhất là ông Trương Ngọc Cường, 30 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Logistics tại Đại học Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc. Ông Cường hiện có 35 bài báo khoa học, sẽ về làm việc tại trường Đại học Bách khoa.
Người có nhiều bài báo khoa học nhất là ông Thái Khắc Minh, 47 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ Dược học tại Đại học Vienna, Áo, về làm việc ở khoa Y.
Bà Cao Thị Thùy Như, 37 tuổi, là người duy nhất tốt nghiệp tiến sĩ ở trong nước trúng tuyển đợt này. Bà có bằng tiến sĩ Luật Kinh tế tại trường Đại học Kinh tế - Luật. Các ứng viên khác tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.
Khoa Y tuyển được 4 nhà khoa học - nhiều nhất trong các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM. Tiếp đến là trường Đại học Bách khoa, Tự nhiên, Kinh tế - Luật, phân hiệu An Giang, mỗi nơi tuyển được hai người. Trường Đại học Quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử tuyển được một người.
Giảng viên trường Đại học Bách khoa và nghiên cứu sinh thực hiện các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tháng 10/2023. Ảnh: HCMUT
Đề án VNU350 nhằm thu hút các nhà khoa học có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đại học Quốc gia TP HCM trở thành cơ sở nghiên cứu top đầu châu Á.
Các ứng viên được chia thành hai nhóm: Nhà khoa học trẻ và nhà khoa học đầu ngành.
Nhóm 1 cần đạt ít nhất một trong bốn tiêu chí: có bài công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín; có bằng phát minh, sáng chế; có sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao; có hướng nghiên cứu mới, triển vọng.
Nhóm 2 phải đủ 5 tiêu chí: đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; chủ trì đề tài, dự án khoa học - công nghệ; có công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; có quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế.
Tùy từng diện, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ giao đề tài nghiên cứu với kinh phí tối đa 200 triệu-1 tỷ đồng cho nhà khoa học trong năm đầu tiên. Các năm sau, kinh phí đề tài lên tới 1 tỷ đồng, hỗ trợ 10-30 tỷ đồng để đầu tư phòng thí nghiệm hay lập nhóm nghiên cứu mạnh.
Về tiền lương, các nhà khoa học hưởng chế độ theo quy định của các trường. Chẳng hạn, ở Đại học Bách khoa, thu nhập trung bình của giáo sư là 60 triệu mỗi tháng, phó giáo sư khoảng 50 triệu đồng, tiến sĩ trẻ mới về trường khoảng 25 triệu đồng. Tại trường Đại học Công nghệ Thông tin, thu nhập của tiến sĩ, giáo sư khoảng 35-65 triệu. Mức này là 28-51 triệu nếu nhà khoa học làm việc ở Đại học Kinh tế - Luật.
Lệ Nguyễn