Vài ngày sau khi trở về từ kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) lần thứ 35 tại Kazakhstan, Nguyễn Tiến Lộc, lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, vẫn nguyên cảm giác hạnh phúc. Em là một trong ba học sinh giành huy chương vàng. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam tại IBO, kể từ năm 2019 đến nay.

Năm ngoái, em là thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng mang về huy chương bạc duy nhất cho đoàn Việt Nam tại IBO lần thứ 34 ở Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Nam sinh đã đặt mục tiêu thi lại năm sau để cải thiện thành tích.

"Em đã nỗ lực suốt một năm qua để 'đổi màu' huy chương. Em tự hào khi một lần nữa trong đội tuyển quốc gia", Lộc nói.

sinh-hoc1-1986-1721493769.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PCvYSsW4x9FtX6SzwJXjnw

Nguyễn Tiến Lộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lộc đánh giá đề thi năm nay hay, có tình huống rõ ràng nhưng khó hơn năm ngoái ở cả phần lý thuyết lẫn thực hành. Phần lý thuyết gồm hai bài, mỗi bài có 50 câu, diễn ra trong hơn 3 tiếng. Câu hỏi trải dài đủ các lĩnh vực cơ bản của Sinh học như động vật, sinh học phân tử tế bào, thực vật, vi sinh, sinh thái, tập tính, hệ thống phát sinh chủng loại đến các ứng dụng, nghiên cứu về những vấn đề toàn cầu hiện nay.

Ngày thi thứ hai, các thí sinh làm bài thực hành ở 4 phòng thí nghiệm là Giải phẫu và Sinh lý động vật, Tin sinh, Sinh học phân tử, Hóa sinh; mỗi phần kéo dài 90 phút.

Nam sinh gặp khó nhất ở phòng thực hành Giải phẫu và Sinh lý Động vật. Lý do, theo Lộc là đề thi mọi năm thường yêu cầu giải phẫu động vật không xương sống, nhưng năm nay yêu cầu giải phẫu mắt cừu, tách các bộ phận như võng mạc, giác mạc... rồi ghim vào vị trí theo yêu cầu.

"Lúc đầu em hơi sốc vì không biết đó là gì. Nhờ kiến thức căn bản vững nên em có thể mường tượng được vị trí của các bộ phận nằm ở đâu, từ đó bình tĩnh mổ và tìm kiếm, dần dần cũng ra", Lộc kể.

Nam sinh cho biết thực hành không chỉ cần kiến thức lý thuyết mà còn phải có các kỹ năng trong phòng thí nghiệm. Mỗi lần thi là một bài mới nên dù có được thực hành rồi nhưng nếu tâm lý không tốt cũng khó thực hiện thao tác chính xác.

Kết thúc bài thi, em hài lòng khi hoàn thiện tương đối tốt, đặc biệt là Hóa sinh và Sinh học phân tử.

Lộc cho hay thích môn Sinh học từ những năm cấp 2, khi được tiếp xúc với các môn tự nhiên. Em ví nếu Toán như gốc của cây khoa học thì Sinh sẽ như phần lá, quả, tạo ra sự đa dạng không thể thiếu của khoa học tự nhiên.

Để học tốt môn này, thay vì làm nhiều đề, trước tiên em đọc sách hàng ngày. Ban đầu là những cuốn sách giáo khoa đại cương về Sinh học như Cambell, sau đó chuyển dần sang tài liệu chuyên Hóa về di truyền, làm thêm bài tập để ghi nhớ kiến thức cũng như tăng phản xạ.

Khi kiến thức ổn hơn, Lộc chuyển sang đọc các bài nghiên cứu, sách bằng tiếng Anh như The Plant Physiology, Esau's Plant Anatomy,thường xuyên hỏi thầy cô về những kiến thức mình chưa rõ. Em mất một tháng để đọc xong một cuốn sách chuyên ngành Sinh học bằng tiếng Anh. Nếu có thời gian, Lộc đọc từ sáng đến chiều, mỗi ngày khoảng 6-7 tiếng. Đọc xong, em ghi chú vào vở để tối xem lại rồi soạn thành tài liệu riêng của mình.

Theo nam sinh, niềm đam mê với môn học của em còn được truyền cảm hứng từ các thầy, cô giáo, đặc biệt là TS Đỗ Thị Thanh Huyền, trưởng bộ môn chuyên Sinh học, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.

TS Huyền phụ trách đội tuyển môn này của trường suốt 10 năm qua. Cô nhận xét học trò thông minh, có đam mê, hoài bão lớn và lập trường vững vàng. Dù đạt huy chương bạc, xếp hạng 35 trong số 293 thí sinh tại IBO 2023, hai cô trò vẫn nung nấu và khao khát chinh phục huy chương vàng.

Vì thế, cô Huyền và Lộc lên kế hoạch học tập. Trong khi đó, bản thân Lộc cũng chủ động mở rộng kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành, tích lũy kinh nghiệm làm bài để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm nay.

Điều cô ấn tượng nhất về Lộc là tài năng và sự khiêm tốn. Đạt được thành công ở hai kỳ IBO nhưng em luôn cho rằng còn phải học hỏi các anh, chị đi trước.

Lộc hiện hoàn thành ước mơ vào Đại học Y Hà Nội để trở thành bác sĩ. Em từng phân vân việc du học nhưng cuối cùng quyết định học trong nước vì tin nếu có khả năng, ở đâu cũng có thể phát triển tốt.

"Học tập là hành trình dài và khó, quan trọng nhất là sự kiên trì. Em may mắn có gia đình, thầy cô ủng hộ và động viên nên chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu", Lộc nói.

sinh-hoc-3122-1721493769.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8WMDcBuGx0W7XOgwCOAqUw

Lộc (thứ ba từ trái sang) cùng thầy cô và các bạn tham dự IBO 35 tại Kazakhstan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022