Mai Xuân Khôi, 18 tuổi, học sinh trường Quốc tế Việt Úc, TP HCM, nhận thư trúng tuyển Đại học Johns Hopkins cuối tuần trước. Ngôi trường này hiện ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng đại học Mỹ của US News, đứng đầu về đào tạo Y sinh học. Tỷ lệ chấp nhận của Johns Hopkins nhiều năm qua ở mức 7-8% tổng số ứng viên.
Khôi kể từng không thành công với Đại học Cornell trong đợt tuyển sinh sớm, hồi tháng 12/2024, nên không nghĩ có thể đỗ Johns Hopkins ở đợt này. Ngay cả khi thấy chữ "Congratulations" (chúc mừng), nam sinh vẫn ngỡ ngàng.
"Phải đọc hết mail, em mới dám tin mình đỗ", Khôi nhớ lại.

Xuân Khôi tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từng có người thân bị ung thư, Khôi cho hay mong có thể tham gia nghiên cứu, phát triển thuốc chữa bệnh này. Biết Johns Hopkins có thế mạnh về y sinh, thường tổ chức những khóa học về chế tạo thuốc, Khôi xác định theo đuổi ngành Kỹ thuật hóa học định hướng y sinh ở đây.
Nhờ định hướng sớm, Khôi có nhiều thời gian tham gia nghiên cứu khoa học. Em tâm đắc nhất với nghiên cứu về sử dụng vật liệu đánh dấu y sinh để phát hiện sớm các tế bào ung thư.
Nam sinh giải thích, vật liệu Terbium phosphate chứa nguyên tố đất hiếm Tb3+, có thể phát quang và dễ dàng hấp thụ vào trong các khối u. Hợp chất TbPO4 từ vật liệu này sẽ khiến các tế bào ung thư "phát sáng". Vì vậy, thông qua máy quét, bác sĩ có thể phát hiện và đánh dấu tế bào ung thư trong cơ thể.
Nghiên cứu Khôi góp phần hướng tới việc chế tạo TbPO4 bằng phương pháp thủy nhiệt, giúp quá trình tìm kiếm tế bào ung thư nhanh chóng và tối ưu hơn.
Khôi thực hiện nghiên cứu này dưới sự hướng dẫn của TS Lê Thị Vinh, giảng viên khoa Khoa học cơ bản, trường Đại học Mỏ-Địa chất. Nghiên cứu này giúp Khôi nhận giải vàng tại một cuộc thi Sáng tạo khoa học Kỹ thuật quốc tế với hàng nghìn thí sinh tham dự ở Mỹ.
Cô Vinh nhận xét Khôi có tố chất nghiên cứu với sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì. Có thế mạnh ngoại ngữ, Khôi chủ động tìm tài liệu, tự học thêm kiến thức. Dù mới tiếp cận nghiên cứu, Khôi luôn suy nghĩ hướng mới để áp dụng kết quả cũ vào nghiên cứu.
"Tôi đánh giá rất cao phẩm chất này ở Khôi", cô Vinh nói.
Ngoài ra, Khôi tham gia dự án chế tạo kit test để kiểm tra nồng độ canxi trong nước, có ý nghĩa trong việc nuôi, thả cá; nghiên cứu về xử lý nước thải tại một làng nghề ở Hà Nội. Những dự án này giúp Khôi giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, như giải ba nghiên cứu khoa học cấp thành phố, huy chương bạc nghiên cứu quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ (IRCYS)...
"Em thấy mình hợp nghiên cứu hơn là các hoạt động xã hội đòi hỏi phải khuấy động không khí, kêu gọi nhà tài trợ", Khôi nói. "Vì vậy, em tập trung phát triển thế mạnh này để làm điểm nhấn cho hồ sơ".

Khôi giành ba huy chương tại Olympic STEM quốc tế, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với bài luận chính, ban đầu Khôi định viết về thành tích của mình, song bỏ qua vì điều này đã được thể hiện qua bảng điểm, giấy chứng nhận. Nam sinh nhìn nhận bài luận chính nên thể hiện một câu chuyện cá nhân để hội đồng tuyển sinh hiểu hơn về ứng viên. Khôi quyết định viết về ông nội và quá trình học Muay Thái (môn võ cổ truyền của Thái Lan).
Khôi kể ông nội từng là đặc công. Lớn lên cùng những câu chuyện ông kể, Khôi ngưỡng mộ và muốn cũng có chiến công nổi bật như ông. Đó là một trong những lý do khiến nam sinh chơi Muay Thái, rồi dẫn tới những rắc rối với bạn bè, phải nhờ bố mẹ can thiệp. Trải nghiệm không vui khiến Khôi bỏ môn này.
"Sau lần đó, em xem lại mình. Em nhận ra sự anh hùng không đến từ việc hơn người khác, mà sẵn sàng nhận trách nhiệm, giúp đỡ cộng đồng và bảo vệ gia đình. Đó mới là thứ bền vững", Khôi nói. "Em gặp thầy và bạn để xin lỗi, chơi Muay Thái trở lại".
Hồ sơ của Khôi còn có thành tích học tập nổi bật. Nam sinh đạt điểm A* (mức cao nhất) cả 7 môn thuộc chương trình IGCSE (chứng chỉ giáo dục phổ thông quốc tế), 1580/1600 SAT (bài thi chuẩn hóa) và IELTS 8.5. Năm ngoái, Khôi từng giành cú đúp huy chương vàng môn Toán, huy chương bạc môn Khoa học tại Olympic STEM quốc tế.
Khôi cho biết thường dùng thẻ ghi nhớ (flash card) để học các môn và tích cực trao đổi với giáo viên về bài học. Nam sinh không học dồn lúc thi, mà giữ nhịp độ học mỗi ngày trong cả năm. Nhờ vậy, em vẫn hoàn thành việc học, nghiên cứu, chơi thể thao và đi ngủ lúc 22h30 hàng ngày.
Cô Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, là cố vấn cho Khôi làm hồ sơ. Cô Hoa ấn tượng với sự nỗ lực, luôn hoàn thành công việc chỉn chu, đúng hạn của nam sinh.
Nam sinh mạnh về nghiên cứu khoa học, nhưng khó khăn trong diễn đạt cảm xúc và viết văn. Với bài luận chính, Khôi phải sửa cả chục lần trong khoảng hai tháng. Tuy nhiên, em luôn cố gắng và nghiêm túc, nhờ vậy mới hoàn thành được một bài luận tốt, thú vị, theo đánh giá của cô Hoa.
"Với năng lực học tập tốt cùng sự kiên nhẫn, chính xác, tôi nghĩ Khôi có tố chất trở thành một kỹ sư hoặc nhà nghiên cứu", cô Hoa nói.
Khôi sẽ tới Mỹ vào tháng 8 năm nay. Nam sinh muốn dành năm đầu để tìm hiểu về chương trình và một số khóa học bổ trợ. Khi đã quen thuộc hơn với trường và ngành học, Khôi sẽ tiếp tục tham gia nghiên cứu về cách điều trị ung thư.
Thanh Hằng