Trăn trở với đời sống của nhà giáo, GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn, Đảng và Nhà nước sớm có chính sách cải cách tiền lương cho nhà giáo.
- Giáo sư có nhận xét gì về lương của nhà giáo hiện nay?
- Vấn đề lương của nhà giáo là hiện trạng nhức nhối. Đây còn là mâu thuẫn trước thực tiễn, đòi hỏi phải có giải pháp giải quyết. Hiện nay, đời sống của nhà giáo gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đội ngũ các cô giáo mầm non. Qua thực tiễn hơn 2 năm “chèo chống” với đại dịch Covid-19 càng cho thấy những khó khăn của đội ngũ nhà giáo. Lương thấp không đủ sống nên giáo viên phải đối diện với điều kiện khó khăn, cả về vật chất và tinh thần. Do đó, chúng ta phải quan tâm đến mỗi nhà giáo, rộng hơn là gia đình của các thầy, cô giáo.
Nếu không, việc giáo viên bỏ nghề hoặc rời bỏ khu vực Nhà nước là điều khó tránh khỏi và thực tế đã diễn ra trong thời gian qua. Vì thế, tôi mong rằng, Đảng và Nhà nước sớm có chính sách cải cách tiền lương cho nhà giáo.
- Lương thấp nhưng áp lực công việc lớn, trong khi xã hội lại luôn đòi hỏi rất cao ở đội ngũ nhà giáo. Điều này có mâu thuẫn không, thưa Giáo sư?
- Nếu tiền lương mà không đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thì đừng nói gì đến việc người ta tận tâm, tận lực trong các hoạt động nghề nghiệp của mình. Với nhà giáo, đã lựa chọn nghề dạy học tức là lựa chọn một đức hy sinh. Cho nên, để nhà giáo toàn tâm, toàn ý vào công việc, tất cả vì học sinh thân yêu thì tiền đề đặt ra là phải đảm bảo cho họ có một cuộc sống tương đối ổn định, đầy đủ để có thể phát triển.
Làm được việc này cũng tránh hiện tượng tiêu cực xảy ra trong các nhà trường như: Dạy thêm, học thêm. Việc này khiến giáo viên không dồn hết tâm sức vào các giờ dạy chính khóa của mình. Vô hình trung gây ra những tiêu cực, làm mất đi vẻ cao quý vốn rất đáng tự hào trong nghề dạy học của nhà giáo.
Tôi nhắc lại, vấn đề tiền lương, đời sống của giáo viên là vấn đề phải được quan tâm. Nếu không nhà giáo sẽ khó lòng thực hiện được những mục tiêu cao cả, cũng như thực hiện trọng trách nặng nề mà xã hội đặt lên vai họ.
GS.TS Hoàng Chí Bảo
- Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nêu: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Tuy nhiên, dư luận đặt vấn đề, bao giờ chủ trương này mới thành hiện thực?
- Tôi rất mừng và hoan nghênh vì Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề cập đến một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Qua đó, cũng biểu thị của sự tôn vinh nhà giáo và thấy được trọng trách nặng nề của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, muốn thực hiện được thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố căn bản nhất là phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh mới có thể thực hiện được chính sách cải cách tiền lương này. Thời điểm triển khai thực hiện chủ trương trên là vấn đề ai cũng mong muốn, nhưng trước mắt chưa thực hiện ngay được.
Đảng và Nhà nước sẽ cố gắng phấn đấu để giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt. Qua đó, nhằm thúc đẩy phát triển xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Đồng thời, khắc phục tình trạng giáo viên bỏ nghề hoặc không tâm huyết với nghề để tìm đến một công việc khác.
Trong khi ngành Giáo dục đang có tình trạng thiếu giáo viên, thậm chí phải huy động cả giáo viên đã nghỉ hưu, những người đã từng làm ngành Giáo dục hoặc những người có chứng chỉ sư phạm, được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành phù hợp. Điều đó chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chất ứng phó tạm thời. Về lâu dài phải có giải pháp căn cơ, trong đó cải thiện tiền lương là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thu hút và giữ chân giáo viên ở lại với ngành.
- Rõ ràng, chúng ta cần có cơ chế chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo tận tâm, tận hiến với nghề?
- Ngoài việc giáo viên phải được đào tạo bài bản, tôi cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, có quy hoạch rõ ràng và có tầm nhìn để không thụ động, bị động trước tình trạng phát triển giáo dục. Thực tế, số lượng học sinh đến trường ngày một tăng lên nhưng đội ngũ giáo viên lại giảm đi.
Đây là mâu thuẫn cần phải giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền đi học của trẻ và công bằng trong giáo dục. Trong số các giải pháp, cần giải quyết đồng bộ cả vấn đề tiền lương, chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các nhà giáo phát triển cả về mặt vật chất và tinh thần. Đấy cũng là mong muốn của không chỉ đội ngũ nhà giáo mà còn là niềm mong đợi của cả xã hội.
- Về phía các địa phương cũng cần chủ động, không thể trông chờ hay ỷ lại tất cả vào Nhà nước. Giáo sư có nghĩ như vậy không?
- Đúng vậy! Tinh thần là, các địa phương phải tự chủ, tự quản và chủ động trong việc khắc phục những khó khăn. Các địa phương cũng không dồn tất cả gánh nặng lên vai Nhà nước. Nhà nước là của dân, nhân dân cùng Nhà nước tham gia giải quyết khó khăn. Còn phía các cấp ủy, chính quyền địa phương phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề cải thiện đời sống cho đội ngũ nhà giáo. Việc này phải song hành cùng với nâng cao chất lượng giáo dục.
- Xin cảm ơn Giáo sư!