Năm ngoái, ban phụ huynh (ban đại diện cha mẹ học sinh) lớp con trai chị Nguyễn Chi Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thu quỹ theo kỳ, lần lượt 500.000 và 300.000 đồng. Vì Covid-19 phải học online, lớp hầu như không có hoạt động. Vào các dịp lễ, chị Mai thấy ban phụ huynh gửi ảnh chụp hoa, quà tặng giáo viên lên nhóm, song không công khai số tiền.
Vì con mới vào lớp 1, chị Mai "không rõ ban phụ huynh hoạt động như nào", nghĩ sẽ được thông báo cụ thể vào cuối kỳ. Tuy nhiên, hết học kỳ I, người mẹ ngã ngửa khi nhận thông báo vỏn vẹn "tổng quỹ thu 24 triệu đồng, chi hết 19 triệu". Chị yêu cầu phải có bản kê khai từng khoản nhưng bị từ chối với lý do "sợ bị chụp ảnh đăng lên mạng".
"Tôi không biết họ tiêu gì mà hết 19 triệu đồng, trong khi học sinh không đi học", chị Mai bức xúc, cho rằng thắc mắc chính đáng nhưng lại bị nói xét nét, tiếc vài đồng bạc khi đã chấp nhận cho con học trường tư. Cuối năm đó, chị Mai chuyển con sang lớp khác.
Còn chị Bùi Thị Hằng (TP HCM) thì cảm thấy bị cô lập sau khi thắc mắc về quỹ hội phụ huynh trường. Khoản này 250.000 đồng, được trích từ một triệu đồng quỹ lớp mà chị Hằng đã nộp cho con. Người mẹ nhẩm tính cả trường 30 lớp, mỗi lớp khoảng 50 học sinh thì quỹ lên tới tiền tỷ.
Theo chị Hằng, số tiền này trường không quản lý mà do hội phụ huynh trường giữ. Chị không biết ai là hội trưởng hay tiền dùng để làm gì, chỉ được báo quỹ chi cho những sự kiện ở trường. "Không xác đáng", chị Hằng phản ứng, cho rằng sự kiện ở trường thì phải do trường tổ chức.
Phụ huynh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (TP HCM) kiểm phiếu bầu thành lập ban phụ huynh mới, sau khi cho rằng các thành viên ban phụ huynh cũ đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra việc bữa ăn bán trú kém chất lượng, tối 7/11/2020. Ảnh:Mạnh Tùng.
Từng 5 năm làm hội trưởng phụ huynh khi con học tiểu học, chị Trịnh Thị Duyên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói bất đồng giữa ban phụ huynh lớp và các thành viên là chuyện thường xuyên, bởi không thể chiều ý tất cả trong tập thể.
Mỗi khi hội phụ huynh lớp đề xuất một khoản thu, chi, chị Duyên thường khảo sát trong nhóm Zalo và lấy bình chọn số đông. Với những phụ huynh cá biệt, chị gặp riêng trò chuyện để giải tỏa khúc mắc, cũng để biết cách làm của mình đã hợp lý hay chưa. Với chị, xử lý và giảng hòa mâu thuẫn luôn là nhiệm vụ khó nhất.
Mặt khác, chị Duyên cho rằng cần có góc nhìn khách quan và thông cảm hơn với ban phụ huynh lớp. "Đây là công việc không được trả lương nhưng luôn phải dành thời gian, chịu trách nhiệm cao. Nhiều lần, tôi phải xin nghỉ làm, thậm chí bỏ thêm tiền túi để mua quà cho các con", chị nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định vai trò quan trọng của ban phụ huynh. Bộ Giáo dục và Đào tạo có riêng Thông tư 55 năm 2011 quy định về điều lệ hoạt động của ban này.
Theo ông Hiếu, ban phụ huynh ở nhiều trường, lớp đã làm tốt vai trò theo hướng dẫn của Bộ. "Họ không chỉ hỗ trợ vật lực mà còn trí lực, là cầu nối giữa phụ huynh và trường để giáo dục học sinh hiệu quả", ông Hiếu nói, dẫn chứng nhiều phụ huynh vận dụng chuyên môn, nghề nghiệp của mình để tổ chức chuyên đề, cung cấp kiến thức cho học sinh.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở nội thành Hà Nội cho rằng nếu không có ban phụ huynh, khối lượng công việc của giáo viên chủ nhiệm sẽ gấp 2-3 lần, "mà toàn việc không tên". "Trong nhiều hoạt động, ban phụ huynh giúp lên ý tưởng, tổ chức, quán xuyến học sinh. Một mình giáo viên làm không xuể những việc này, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn", vị này nói.
Ngoài ra, Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu nói cần nhìn nhận thực tế rằng ngân sách nhà nước chỉ đủ để trường công lập trang bị nhu cầu cơ bản. Ông Hiếu lấy ví dụ, ngân sách chỉ có thể trang bị quạt máy nhưng TP HCM thường xuyên nóng nực, sĩ số cao nên phụ huynh có nhu cầu cho con học trong phòng điều hòa. "Muốn như thế thì không còn cách nào khác là xã hội hóa", ông Hiếu nói.
Ngoài tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, sự đóng góp, ủng hộ của phụ huynh là một nguồn xã hội hóa quan trọng. Ông Hiếu cho rằng Thông tư 55 nên được sửa theo hướng thoáng hơn, chẳng hạn cho ban phụ huynh hỗ trợ quyên góp mua sắm máy móc, cơ sở vật chất, nâng cấp và xây mới các công trình, tạo điều kiện để phụ huynh chăm sóc con cái.
Dù vậy, ông Hiếu thừa nhận hoạt động ban phụ huynh ở một số trường đã bị biến tướng, khiến nhiều người lầm tưởng ban này chỉ có nhiệm vụ thu tiền. Chưa kể, nhiều nơi thu quỹ cào bằng, ép buộc, khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực.
Dự trù kinh phí của ban phụ huynh lớp 1/3, trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, năm học 2022-2023. Sau khi biết kế hoạch này, ban giám hiệu đã yêu cầu dừng triển khai. Ảnh chụp màn hình
Sự việc xảy ra tại trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP HCM, rơi vào trường hợp này. Trong video ghi lại cuộc họp phụ huynh lớp 3/10 vào cuối tháng 9, người phụ nữ từng làm phó ban phụ huynh đã gây sức ép với một số cha mẹ học sinh vì không góp tiền sắm cơ sở vật chất. Bà này công khai phát biểu "khó khăn quá đừng theo cái lớp này, đóng góp không nổi".
Lãnh đạo trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo Gò Vấp đánh giá "hành vi này hoàn toàn sai", "xuất phát từ cá nhân" và khẳng định trường "không mượn tay phụ huynh để thu bất cứ khoản nào ngoài quy định". Dù vậy, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lý hoạt động của ban này.
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hiệu trưởng phải là người nắm rõ toàn bộ và chịu trách nhiệm cao nhất với mọi khoản thu, chi trong nhà trường. Nhiều hiệu trưởng khi được phản ánh về việc kêu gọi, quyên góp không hợp lý lại nói không nắm được sự việc vì hội phụ huynh từng lớp thu. Ông Ngai đánh giá đây là hành vi ngụy biện. "Kể cả quỹ hội thì hiệu trưởng vẫn phải biết và chịu trách nhiệm nếu khoản đó dùng không đúng quy định, không thể đổ thừa cho bất kỳ ai khác", ông Ngai nói.
Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hiếu. Theo ông Hiếu, hiệu trưởng không thể đứng ngoài hoạt động của ban phụ huynh mà phải định hướng, chịu trách nhiệm liên đới các hoạt động, trong đó gồm cả việc lập kế hoạch thu, chi. "Nếu xảy ra lạm thu, dù do ban phụ huynh thu, hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm", ông Hiếu nói và cho biết sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lạm thu.
Ngày 13/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết trong tuần này sẽ chấn chỉnh hoạt động và rà soát tất cả khoản thu, chi của ban phụ huynh các trường. Là phụ huynh tại TP HCM, chị Bùi Thị Hằng nói "rất trông chờ" các quy định cứng rắn, rõ ràng của cơ quan quản lý.
Sau khi không tìm được tiếng nói chung với ban phụ huynh lớp, chị Hằng được trả lại 250.000 đồng. "Tôi thắc mắc không phải vì tiếc tiền, mà vì thấy không thỏa đáng. Ban phụ huynh trả lại tôi tiền, nhưng tôi cảm thấy bị cô lập. 'Quyền lực mềm' này của ban phụ huynh sẽ được quản lý, giám sát thế nào?", chị Hằng đặt câu hỏi.
Thanh Hằng - Bình Minh