Trong buổi tư vấn trực tuyến "Chinh phục Học bổng Chính phủ Anh Chevening" do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức tối 13/10, bà Mai Thu Hà cho biết, hàng năm có khoảng vài trăm đến một nghìn hồ sơ ứng tuyển ở mỗi nước.
Quá trình tuyển chọn học bổng có bốn vòng. Vòng đầu tiên, hồ sơ ứng viên được lọc qua máy tính bằng thuật toán tự động. Nếu ứng viên không đáp ứng các điều kiện cơ bản, chẳng hạn không đủ 2.800 giờ làm việc bộ lọc sẽ loại. Ở vòng 2, hồ sơ ứng viên ở 160 quốc gia trên thế giới được chuyển đến hội đồng giám khảo tại Anh để lọc chọn. Những hồ sơ được đánh giá cao lại được chuyển về Đại sứ quán ở từng nước để chọn một lần nữa. Nếu vượt qua vòng này, ứng viên sẽ nhận được thư mời tham gia vòng 4 "Phỏng vấn".
Bà Mai Thu Hà chia sẻ tại sự kiện Chevening Youth Talk: Leadership From Below năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm nay, Chevening nhận hồ sơ từ 2/8 đến ngày 1/11, vòng phỏng vấn ứng viên Việt Nam diễn ra tại Hà Nội và TP HCM vào tháng 3, tháng 4 năm 2023.
Công tác tại Đại sứ quán Anh và từng đọc nhiều hồ sơ ứng tuyển học bổng Chevening, bà Hà có 5 lời khuyên với ứng viên.
1. Hiểu rõ "cá tính" của học bổng
Hiện nay, có nhiều học bổng mở cửa nhưng mỗi chương trình sẽ có tiêu chí tuyển chọn, là "cá tính riêng" của từng học bổng. "Điều quan trọng, bạn phải hiểu học bổng đó yêu cầu những gì, nét nổi bật của học bổng, liệu mình có đáp ứng và phù hợp với học bổng hay không? Nếu đủ các điều kiện trên, bạn mới cân nhắc ứng tuyển", bà Hà nói.
Như vậy, việc chinh phục học bổng của bạn sẽ mang tính chiến lược, tiết kiệm thời gian và khả năng cao tìm được học bổng phù hợp với bản thân.
2. Viết bài luận theo "mô hình STAR"
Bà Hà nhấn mạnh, các bài luận là phần quan trọng nhất, được chấm điểm cao nhất của hồ sơ ứng tuyển học bổng Chevening. Do đó, ứng viên nên đầu tư nhiều nhất vào bốn bài luận yêu cầu của học bổng.
Bốn bài luận tập trung vào 4 tiêu chí học bổng tìm kiếm, gồm tố chất lãnh đạo (leadership), kỹ năng xây dựng mạng lưới (networking), kế hoạch học tập tại Anh (study in UK) và định hướng nghề nghiệp (career plan).
Kỹ thuật hữu ích khi viết bài luận cho ứng viên và cũng dễ cho ban giám khảo đọc là "mô hình STAR" gồm Situation (mô tả tình huống đã gặp), Task (liệt kê nhiệm vụ bạn đảm nhận), Action (bạn đã làm gì thể hiện vai trò cá nhân của bạn trong tập thể đó) và Result (kết quả đạt được).
19 người Việt Nam nhận học bổng Chevening năm 2022 do Đại sứ Anh Iain Frew trao hồi tháng 9/2022. Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
3. Hãy là chính mình
"Một năm, Ban giám khảo nhận được vài trăm cho đến một nghìn hồ sơ cho từng nước. Chúng tôi rất mong mỗi hồ sơ là câu chuyện độc đáo của riêng bạn", bà Hà nhắn gửi.
Trả lời thắc mắc "Làm thế nào để hồ sơ ứng tuyển trở nên nổi bật?", bà Hà một lần nữa nhấn mạnh, nếu ứng viên tham khảo các bài luận mẫu, sẽ rất khó để bộ hồ sơ nổi bật. Ứng viên không cần phải làm gì "thật cao siêu", cách đơn giản để trở nên nổi bật là hãy thể hiện chân thực là chính mình trong bài luận.
4. Bắt đầu sớm
Quản lý Học bổng Chevening tại Việt Nam cho biết, website của học bổng Chevening toàn cầu thường quá tải vào ngày chót nộp hồ sơ hàng năm. Vì vậy, ứng viên không nên để hạn chót 1/11 mới nộp.
Nếu chuẩn bị hồ sơ sớm, ứng viên sẽ có nhiều thời gian tự chỉnh sửa hoặc nhờ người khác góp ý chỉnh sửa. Thời gian học bổng mở cửa nộp hồ sơ là 3 tháng. Rất đáng tiếc nếu ứng viên bỏ nhiều công sức đầu tư chuẩn bị hồ sơ nhưng khi nộp lại gặp vấn đề kỹ thuật do hệ thống quá tải. Nếu hệ thống xác nhận ứng viên nộp sau thời hạn, hồ sơ sẽ không hợp lệ và bị loại.
5. Gửi hồ sơ, bạn tự cho mình cơ hội
Một số ứng viên băn khoăn "Có nên đầu tư cho học bổng, liệu có cơ hội trúng tuyển học bổng cạnh tranh này?"
Ở góc độ ban giám khảo, bà Hà cho biết một bồ hồ sơ Chevening yêu cầu rất nhiều tiêu chí từ ứng viên. Quá trình chuẩn bị hồ sơ là thời gian ứng viên tự suy ngẫm, trăn trở: Mình đã làm được gì? Định hướng tương lai ra sao? Nếu theo đuổi ngành học dự định, bạn có tạo ra điều gì mới? Đây là dịp tốt để ứng viên nhìn lại bản thân và con đường mình đang đi. Vì vậy, việc đầu tư cho học bổng là lựa chọn khôn ngoan. Nếu đỗ, bạn có cơ hội được đài thọ toàn bộ chi phí sang Anh du học.
"Nếu không thử đặt bút, bạn tự đánh mất cơ hội của mình. Nếu nộp hồ sơ, bạn tự cho mình cơ hội mới", bà Hà khuyên bạn trẻ tự tin và "cứ thử đi".
Lệ Thu