Ngày 4/10, trả lời VTC News, PGS.TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện dệt may, da giầy và thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đề tài nghiên cứu về áo ngực phụ nữ do nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, ngành Công nghệ dệt, may thực hiện "mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn".

Áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực không phù hợp có thể làm người mặc thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da,… Vì vậy đề tài có tính cấp thiết rất lớn.

Trên thế giới, nhiều nghiên cứu về đo lường các kích thước ngực, phân loại ngực nữ; xây dựng hệ thống cỡ số áo ngực, đo lường áp lực của áo ngực. Liên quan đến may mặc, các nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng của các loại vật liệu, cấu trúc thiết kế của áo ngực tới áp lực và độ vừa vặn, độ tiện nghi của áo ngực nữ. Các nghiên cứu này được khảo sát trên nhiều nhóm phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau.

photo-1-1664923300183516320245.png

Liên quan đến đề tài này, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung từng công bố 8 công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế. Trong đó 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước). Nghiên cứu này cũng từng đạt giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt nam 2020.

Một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước liên quan đến áo ngực được công bố trên các tạp chí uy tín như: Tác giả Nguyễn Quốc Toản và cộng sự đã thiết kế thiết bị đo áp lực áo ngực sử dụng cảm biến áp khí hiển thị kết quả đo dạng biểu đồ và dạng số.

Tác giả Trần Thị Minh Kiều và cộng sự khảo sát hình dạng bầu ngực của nữ sinh Bắc Việt Nam lứa tuổi 18 - 25 và sự phù hợp của một số dạng áo ngực. Nghiên cứu dựa trên đánh giá cảm nhận của người mặc và đánh giá chuyên gia về sự vừa vặn của cup áo ngực với các dạng bầu ngực…

Bà Thảo cho rằng, vấn đề nghiên cứu này còn mới ở Việt Nam, trong khi, trên thế giới, các nghiên cứu về áo ngực đã xuất hiện từ cách đây 15 năm. Do vậy kết quả nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học cải thiện độ tiện nghi của áo ngực nữ trong quá trình thiết kế và sản xuất, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Đại diện phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, luận án của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung chưa tới thời gian bảo vệ. Nhà trường chưa đưa ra bình luận về chất lượng của luận án khi chưa có ý kiến của Hội đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường khẳng định các luận án của nghiên cứu sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội luôn luôn được kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng đào tạo.

Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây công bố lịch dự kiến bảo vệ đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung ngành Công nghệ dệt, may. Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ dự kiến tổ chức vào ngày 12/10/2022.

Tên đề tài nghiên cứu khiến dư luận xôn xao bình luận hoài nghi về chất lượng, có ý nghĩa xã hội hay chạy theo số lượng, hư danh như một số đề tài tiến sĩ cầu lông, tiến sĩ đá bóng từng gây bão dư luận cách đây 4 tháng.

Một tài khoản facebook Đức Trần bình luận: "Tên đề tài rất lạ, liệu rằng có giống với đề tài nghiên cứu và phát triển môn cầu lông hay không?. Cần các chuyên gia, hội đồng đánh giá một các khách quan về chất lượng những đề tài này để giới khoa học yên tâm về các kết quả nghiên cứu, tránh gây lãnh phí".

Tài khoản Nguyễn Thương băn khoăn: "Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện đề tài nghiên cứu khoa học về áo ngực và ngực phụ nữ ở Việt Nam. Liệu những đề tài này có thực sự cần thiết và giá trị áp dụng thực tiễn hay không?".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022