Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra với 4 môn. Hai môn bắt buộc là Toán và Văn, hai môn còn lại, học sinh chọn từ các môn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thời gian này, nhiều trường và địa phương tổ chức khảo sát và thống kê lựa chọn của học sinh.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Chí Sỹ, hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, cho biết khoảng 70% trong gần 400 học sinh chọn thi tốt nghiệp với các môn xã hội như Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử. Số chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học chỉ gần 30%.

Tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 77,5% học sinh chọn các môn xã hội so với 22,5% chọn môn tự nhiên.

Ở quy mô cấp tỉnh, Tiền Giang ghi nhận xu hướng tương tự. Năm học này, tỉnh có hơn 16.600 học sinh lớp 12. Tỷ lệ chọn hai môn Lịch sử, Địa lý thi tốt nghiệp chiếm gần 23%, nhiều nhất trong 36 tổ hợp; Địa lý cùng Giáo dục kinh tế và Pháp luật đứng thứ tư với gần 8%.

Việc học sinh chọn thi tốt nghiệp bằng các môn xã hội áp đảo tự nhiên không phải là hiện tượng của riêng năm nay. Từ khi kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh chọn tổ hợp vào năm 2017 đến nay, chưa năm nào số thí sinh thi môn tự nhiên nhiều hơn xã hội. Riêng năm 2024, hơn 670.000 trong khoảng một triệu em chọn bài tổ hợp khoa học xã hội, tương đương 63% và cao nhất 7 năm qua.

Lý giải, ông Phan Hữu Quyền, hiệu trưởng THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết hàng năm, khoảng 30% học sinh của trường trúng tuyển sớm bằng nhiều phương thức. Cùng đó, đa số học sinh xét tuyển bằng khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), nên ngoài ba môn này, các em chỉ cần thi thêm một môn nữa. Cả hai nhóm này thường chọn những môn xã hội, không quá áp lực để dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.

Nhìn chung, theo TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc nhiều học sinh chọn môn xã hội có thể xuất phát từ tính toán cơ hội vào đại học, bởi nhiều em cho rằng những môn này nhẹ nhàng, dễ đạt điểm cao nên nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Ngoài ra, ông thấy nhiều học sinh có tâm lý sợ các môn tự nhiên.

Trong kiến nghị gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tuần trước, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ lo ngại sự mất cân bằng giữa các tổ hợp xã hội và tự nhiên. Điều này có thể tạo hệ quả xấu, làm giảm đầu vào các ngành khoa học tự nhiên, về lâu dài không đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước.

Ngoài chênh lệch giữa hai nhóm môn, việc để học sinh chọn môn thi tốt nghiệp còn khiến các nhà giáo băn khoăn về chất lượng của hoạt động hướng nghiệp cấp phổ thông cũng như tính hợp lý của chương trình mới.

Cụ thể, học sinh cấp THPT phải học 4 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ 1 cùng các hoạt động hướng nghiệp, quốc phòng, thể chất... Ngoài ra, các em lựa chọn thêm 4 trong 9 môn còn lại, gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Về lý thuyết, học sinh có 126 cách chọn, song thực tế mỗi trường THPT thường có khoảng 5-8 tổ hợp, chủ yếu chia thành hai nhóm tự nhiên và xã hội, tùy số giáo viên và cơ sở vật chất. Việc chọn môn diễn ra ngay khi học sinh vào lớp 10. Tới khi thi tốt nghiệp, môn mà các em chọn phải nằm trong tổ hợp đã học và cũng không được thi quá hai môn lựa chọn.

Điều này đồng nghĩa nếu không đưa ra lựa chọn phù hợp ngay từ lớp 10, học sinh có thể bị giới hạn lựa chọn xét tuyển đại học. Chia sẻ với VnExpress hồi tháng 7, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết có học sinh gặp khó vì muốn thi đại học môn Sinh, nhưng lại không học môn này ở trường.

Theo hướng dẫn của Bộ, nếu học sinh có nhu cầu, trường vẫn cho đổi tổ hợp nhưng phải vào cuối năm học. Song thầy Công nhìn nhận ngay cả khi đổi được, học sinh cũng gặp rủi ro. Thứ nhất là việc thiếu hụt kiến thức so với những bạn đã học môn đó từ năm lớp 10. Hai là nếu trường đại học đặt điều kiện về điểm học bạ 3-6 học kỳ của các môn thì các em sẽ không đủ đầu điểm.

Xem 36 tổ hợp thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng việc học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở THCS nhưng phải chọn môn ở THPT, khó điều chỉnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro và từ đó căn cứ để xét tuyển đại học là "một đòi hỏi vô lý".

Hiệu trưởng một trường THPT ở An Giang cũng cho rằng đây là bất cập lớn của chương trình mới. Theo ông, học sinh ở độ tuổi 14-15 chưa thể nghiêm túc suy nghĩ và có định hướng ngành nghề, hình dung mình là ai trong tương lai.

"Nhiều người lớn sau một thời gian đi làm mới phát hiện chọn nhầm nghề, nhưng chương trình và cách thi tốt nghiệp đang không cho những đứa trẻ 'ăn chưa no lo chưa tới' được thay đổi nếu cảm thấy chọn sai", ông nói.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018), với cấp THPT, học sinh có quyền chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Các kiến thức, hoạt động hướng nghiệp được trang bị ở các cấp học dưới.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình cuốn chiếu, áp dụng đầu tiên với lớp 1 vào năm 2020 rồi đến các lớp cao hơn. Đó là lý do lứa học sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay "nhảy" thẳng từ chương trình cũ (2006) lên chương trình mới ngay khi vào lớp 10.

233a7284-1733854624-7946-1733855309.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QTkj2fyoVWyN7r0V4rNKHg

Thí sinh thi tốt nghiệp tại trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Để đảm bảo nguồn nhân lực đầu vào cho các ngành khoa học cơ bản và tạo thuận lợi cho học sinh khi đăng ký môn thi tốt nghiệp, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất Bộ cho học sinh chuyển môn linh hoạt. Cùng đó, các hoạt động hướng nghiệp chuyên sâu từ cấp THCS cần được triển khai sâu rộng và quyết liệt hơn.

Về phía các trường, bà Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội, nhìn nhận về lâu dài, trường phải xây dựng các tổ hợp một cách khoa học, tạo thuận lợi cho học sinh khi chọn môn để tạo thành các khối xét tuyển đại học.

Bà lấy ví dụ với trường Việt Đức, cả 8 tổ hợp đều được xây dựng với hai môn xương sống là Lý và Hóa. Nhóm thiên về tự nhiên sẽ có cả hai môn này trong mỗi tổ hợp, có thể kết hợp với Sinh và Tin học; còn nhóm xã hội thường có một trong hai. Việc này đảm bảo khi thi tốt nghiệp, ngoài ngoại ngữ, học sinh có thể chọn thêm Lý hoặc Hóa để tạo thành ít nhất hai tổ hợp phổ biến trong xét tuyển đại học như A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).

"Học sinh hay sợ học tự nhiên, nên ngoài chuyện xây dựng tổ hợp, nhà trường cũng giải thích về lợi ích và động viên các em, có khó khăn gì thì hỏi thầy cô. Nếu không thể theo được mới nên đổi", bà Quỳnh nói, đánh giá cách làm của trường mang đến hiệu quả rõ rệt.

Trong khảo sát trường Việt Đức thực hiện cuối tháng 9, số học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ là 765 trên hơn 910 em - nhiều nhất; ba môn tiếp theo lần lượt là Vật lý (369), Lịch sử (227), Hóa học (191).

"Ngay từ đầu định hướng tốt thì cả nhà trường và học sinh đều đỡ vất vả, cả trong quá trình học tới lúc chọn môn thi tốt nghiệp", bà nói.

Thanh Hằng - Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022