Thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, cho biết lý do là thầy giáo cũ đường đột xin nghỉ việc, chuyển đến công tác sang địa phương khác. Trường đã kiến nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước bố trí giáo viên mới, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được người thay thế.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ lớp 3, tiếng Anh là môn bắt buộc. Tuy nhiên, toàn bộ 7 khối lớp (từ khối 3 đến khối 9) với 107 học sinh ở trường Tiểu học và THCS Cao Sơn buộc phải ngừng học môn này.
"Không có điểm môn Ngoại ngữ đồng nghĩa với việc không thể tổng kết học kỳ 1", thầy Tài nói, thêm rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của học trò, đặc biệt là với 16 học sinh khối 9 sẽ thi tuyển vào lớp 10 năm tới.
Một giờ học ở trường Tiểu học và THCS Cao Sơn. Ảnh: Lam Sơn
Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn nằm trên địa bàn thôn Mười, cách trung tâm xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, khoảng 10 km. Đây là một trong những thôn khó khăn bậc nhất của huyện do khí hậu khắc nghiệt, đường sá đi lại rất khó khăn.
Năm học 2023-2024, trường có 125 học sinh, với 9 khối, mỗi khối một lớp. Trường có 8 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên biên chế và một giáo viên dạy liên trường ở cấp THCS. Trong khi đó, số lượng giáo viên theo định biên ở cấp THCS của trường theo quy định là 7,4 người.
Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn nằm ở thôn Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Ảnh: Lam Sơn
Trả lời VnExpress, ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước, cho hay toàn huyện chỉ duy nhất trường Tiểu học và THCS Cao Sơn không có giáo viên ngoại ngữ. Trước mắt, trường đề xuất nhờ một giáo viên tiếng Anh ở xã Lũng Cao (cách trường khoảng 7 km) lên hỗ trợ và được chấp thuận.
"Từ tuần tới, thầy giáo tiếng Anh sẽ dạy học sinh Cao Sơn vào các ngày nghỉ hoặc buổi chiều trong tuần nếu không có tiết ở Lũng Cao", thầy Tài nói. Để đuổi kịp chương trình, học sinh buộc phải học ngoài giờ.
Về giải pháp lâu dài, theo ông Hà Tự Nhiên, huyện sẽ xin chỉ tiêu biên chế để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho các trường trên địa bàn.
Hồi tháng 7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức cho biết tỉnh này thiếu hơn 10.250 giáo viên, thuộc diện trầm trọng nhất cả nước. Trong đó, giáo viên tiếng Anh và Tin học thiếu nhiều nhất.
Lê Hoàng