Theo bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh do tổ chức giáo dục quốc tế EF công bố hôm 18/11, Trung Quốc đạt 464/800 điểm, thấp hơn trung bình thế giới 38 điểm, tụt xuống nhóm có độ thông thạo trung bình thấp.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, Trung Quốc tụt hạng trên thang đánh giá của EF. Năm 2020, nước này lần đầu được xếp vào nhóm có độ thông thạo tiếng Anh trung bình, xếp thứ 38 thế giới.

Xét theo độ tuổi, điểm trung bình của nhóm 31-40 tuổi cao nhất, theo sau là nhóm 21-25 và trên 41 tuổi. Nhóm người trẻ 18 - 20 tuổi có điểm trung bình khảo sát thấp nhất.

386873333-859838769118869-6897-8241-1628-1701137226.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UTZLnV35YQ8tjeEWWFNbfA

Điểm thành thạo tiếng Anh của người trưởng thành ở Trung Quốc, giai đoạn 2011-2023. Ảnh: EF

EF cho rằng sự sụt giảm về độ thông thạo tiếng Anh của người Trung Quốc là do nhu cầu du học Mỹ thấp hơn trước đại dịch Covid-19, hay nhiều trường giảm thời lượng môn tiếng Anh dù đây là môn học bắt buộc. Ngoài ra, quan hệ Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng tới quan điểm của người Trung Quốc về tiếng Anh nói chung, giảng dạy tiếng Anh nói riêng, theo Dexter Roberts, giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Mansfield của Đại học Montana, Mỹ.

Vai trò của môn tiếng Anh là chủ đề gây tranh cãi những năm gần đây ở Trung Quốc. Nhiều đề xuất giảm trọng số môn này trong chương trình học và các kỳ thi, tăng cường giảng dạy văn hóa truyền thống. Một số đại học được khuyến khích hạ thấp tiêu chuẩn tiếng Anh nhằm giảm bớt áp lực cho sinh viên, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi tiếng Anh hiếm khi được sử dụng.

Bên lề một cuộc họp quốc hội hồi tháng 3 ở Bắc Kinh, đại biểu Tuo Qingming đã nhấn mạnh việc này, cho rằng bài thi tiếng Anh có giá trị hạn chế.

"Đối với nhiều người dân, học ngoại ngữ chỉ để vào đại học. Những gì họ học thực chất chỉ phục vụ cho kỳ thi... Họ hiếm khi hoặc thậm chí không bao giờ sử dụng ngoại ngữ trong công việc hay đời sống hàng ngày", ông Tuo lý giải.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phản bác. Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học giáo dục quốc gia, cho rằng Trung Quốc đang tiến tới hiện đại hóa, nên việc học tiếng Anh là đặc biệt quan trọng. Vấn đề không phải là có học tiếng Anh hay không, mà là học như thế nào.

Peng Peng, chủ tịch Hiệp hội cải cách Quảng Đông, có ý kiến tương tự. "Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người lao động vẫn cần tiếng Anh để thương thảo đơn hàng, hợp đồng", Peng chia sẻ.

Trước tranh cãi, Bộ Giáo dục Trung Quốc vẫn duy trì trọng số điểm môn tiếng Anh là 150/750, tương tự bài thi Toán và tiếng Trung.

309421584-3328518980724355-149-9977-1880-1701137226.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F4cmfhItrZi5rIwE5U_lbg

Sinh viên đi trong khuôn viên Đại học Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: ZJUI/Zhejiang University

EF (Education First) là một trong những tổ chức về du học, ngôn ngữ, trao đổi văn hóa lớn nhất thế giới. Bảng xếp hạng mức độ thông thạo tiếng Anh toàn cầu được công bố hàng năm, kể từ năm 2011.

Xếp hạng năm nay dựa trên kết quả làm bài thi Anh ngữ tiêu chuẩn EF SET của 2,2 triệu người lớn năm 2022. Đây là bài kiểm tra tiếng Anh trực tuyến về kỹ năng Đọc và Nghe, được tiêu chuẩn hóa và thiết kế để phân loại khả năng ngôn ngữ. Người dự thi có thể làm bài miễn phí qua mạng và được đánh giá thuộc một trong sáu cấp độ thành thạo dựa trên Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR).

Trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, 12 nơi có chỉ số tiếng Anh ở mức thông thạo rất cao (600-800 điểm), 18 nơi thông thạo cao (550-599 điểm), 33 nơi ở mức trung bình (500-549 điểm), còn lại ở mức thấp và rất thấp.

Việt Nam đạt 505 điểm, xếp thứ 58/113, tăng hai bậc so với năm ngoái và nằm trong nhóm thông thạo tiếng Anh trung bình.

Huy Quân (Theo EF, SCMP, China Daily)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022