Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Hình ảnh những vụ việc được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội khiến dư luận không khỏi bức xúc, xót xa. Đáng lo ngại hơn, nhưng học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường sẽ phải hứng chịu những tổn thương tâm lý lâu dài, có em đã phải nhập viện điều trị sức khỏe tâm thần.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ quan ngại về mức độ bạo lực học đường, nhất là cách hành xử của các bạn trẻ là điều rất đáng lo ngại hiện nay.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
PV: Qua các vụ bạo lực học đường vừa qua, ông đánh giá thực trạng đáng lo ngại này như thế nào? Có phải bạo lực học đường đã gia tăng so với trước đây?
Ông Nguyễn Đắc Vinh: Thực tế, bạo lực học đường xưa nay vẫn có. Nhưng gần đây, có một số vụ việc có mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại. Đây không chỉ là “động chân động tay với nhau” mà còn xúc phạm nhân phẩm của nhau. Cộng đồng xung quanh còn đáng lo ngại hơn khi các học sinh, những bè bạn xung quanh chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.
Việc này cần rất kiên trì, cương quyết bày tỏ thái độ không đồng tình với bạo lực học đường, bạo lực trong xã hội. Ngay trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề cập vấn đế này. Từ chủ trương thành hành động đòi hỏi rất kiên trì, bởi thay đổi nhận thức và hành vi con người cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo lực trở nên đáng lo ngại hơn?
Ông Nguyễn Đắc Vinh: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội. Hiện nay, sự tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, internet của học sinh dễ dàng hơn trước rất nhiều nên các em được tiếp cận sớm với thông tin, hình ảnh trong đó có những thông tin không lành mạnh.
Vì vậy, cần làm sao để xây dựng “sức đề kháng” cho các em, có định hướng các em tiếp cận thông tin lành mạnh nhiều hơn, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực thì cần giúp các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu không nên theo.
Vấn đề căn cốt lâu dài là phải xây dựng văn hóa học đường cho học sinh. Ngoài thời gian ở nhà, nhận sự giáo dục của bố mẹ ông bà thì phần lớn trẻ hiện nay nhận sự giáo dục của nhà trường, nên việc hình thành văn hóa học đường cho học sinh là giải pháp lâu dài để giảm bớt bạo lực học đường.
Tuy nhiên, việc này cần làm lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều mà có thể nhìn thấy kết quả ngay. Văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học từ bài học tiếng Việt, tiếng Anh hay các môn học khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục văn hóa cao thì sẽ ảnh hưởng rất tốt đến học sinh.
Thầy cô, bố mẹ cần làm gương cho trẻ. Việc xây nền tảng này rất quan trọng, phải đưa vào từng tiết học, môn học; đưa vào từ gia đình. Hoàn cảnh gia đình mỗi trẻ khác nhau, bên cạnh chú trọng giáo dục gia đình thì trong xã hội hiện đại, khi giáo dục trong gia đình chưa đủ thì vai trò của giáo dục trong nhà trường rất quan trọng. Điều này giúp các em hình thành mối quan hệ xã hội giữa người với người biết thương yêu, tôn trọng nhau thì bạo lực sẽ giảm đi.
Kiên trì xây dựng văn hóa học đường để hình thành ý thức cho học sinh. Giáo viên thật sự gương mẫu, xây dựng mối quan hệ thầy với thầy, trò với trò làm sao thực sự yêu thương nhau. Ngay cả mối quan hệ của học sinh với bác bảo vệ, giáo dục sao để học sinh khi gặp bác bảo vệ cũng lễ phép chào hỏi.
Từ những việc nhỏ như vậy được chú ý thì sẽ mọi việc sẽ tốt hơn. Chứ nếu không chú ý từ vấn đề nhỏ nhặt thì sẽ sinh ra mâu thuẫn thôi.
PV: Ông vừa nhắc đến việc làm gương của người lớn, cụ thể là cha mẹ và thầy cô giáo, vậy người lớn có vai trò cụ thể nào trong giải quyết những mâu thuẫn của “trẻ con”?
Ông Nguyễn Đắc Vinh: Tính nêu gương của người lớn, của gia đình rất quan trọng với trẻ. Bởi người lớn đã có nhận thức đầy đủ mà trẻ thường học và làm theo người lớn. Nên người lớn phải thấy trách nhiệm nêu gương với con trẻ bởi họ hành động, suy nghĩ thế nào ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ đi sau.
Người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử mẫu mực, kiềm chế. Đừng để trẻ con tiếp xúc với những hành vi tiêu cực của người lớn mà để trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực hơn.
Tôi lấy ví dụ, bây giờ ra đường nếu người lớn có ý định vượt đèn đỏ thì trẻ con nhắc ngay. Đấy là do các em được giáo dục từ nhỏ phải tuân thủ luật giao thông đường bộ.
Có người nói rằng trẻ khi còn nhỏ thì các em có ý thức cao nhưng khi lớn hơn thì giảm dần độ tự giác. Tôi cho rằng, ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để mọi người đều có ý thức tuân thủ. Có xây, có chống thì giúp hành vi nhận thức mọi người tốt hơn.
Đối với con trẻ rất là đặc biệt. Chúng ta cố gắng làm sao để trẻ tiếp cận những điều tích cực nhiều hơn từ khi còn nhỏ. Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, làm sao xây dựng cho các em sức đề kháng, tự phân biệt được cái tốt, cái xấu. Các em sẽ hướng theo cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu.
PV: Xin cảm ơn ông!