Ủy ban Tài trợ đại học Ấn Độ (UGC) hồi đầu tháng 10 công bố danh sách hơn 20 tổ chức giáo dục đại học không được cấp phép. Tuy nhiên những nơi này đang đào tạo nhiều ngành nghề thuộc nhóm Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Sức khỏe, từ bậc cử nhân đến tiến sĩ. Ngoài ra, họ cũng cung cấp các khóa học ngắn hạn, không trao bằng.

Trong số này, Delhi có đông nhất với 8 cơ sở.

UGC cảnh báo sinh viên không nên đăng ký theo học tại các cơ sở này. Không chỉ mất tiền và lãng phí thời gian, chất lượng đào tạo kém, sinh viên còn khó kiếm được việc làm vì bằng cấp không được công nhận. Họ cũng khó theo đuổi các bậc học cao hơn.

indian-student-in-class-copy-3814-1698585074.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UcbCXtOrudGQ6i8lILZ_yA

Ảnh: The Sunday Guaridan

Các chuyên gia nhìn nhận việc nhiều đại học không được cấp phép mọc lên cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu đối với giáo dục đại học.

Theo thống kê năm 2021 của Bộ Giáo dục Ấn Độ, quốc gia này có 1.113 đại học. Số sinh viên nhập học năm học 2020-2021 lên tới 41,4 triệu người, cao kỷ lục.

Trong khi đại học công chưa đáp ứng được nhu cầu thì các trường tư hàng đầu lại có tỷ lệ chọi và học phí cao. Do đó, nhiều sinh viên tìm đến các nơi có chi phí rẻ hơn, có người không biết đó là những đại học giả.

Saikat Majumdar, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Ashoka, cho biết đại học giả là vấn đề "phổ biến" ở Ấn Độ.

"Những học sinh không thể vào trường đại học được công nhận thường có hai hướng. Nếu có đủ khả năng chi trả, họ sẽ ra nước ngoài, ngược lại sẽ đăng ký vào những cơ sở chưa được cấp phép", ông nói.

Shruti Kapila, giáo sư tại Đại học Cambridge, nhìn nhận tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới gần 40% trong cả nước cũng góp phần tạo ra sự bùng nổ của các trường đại học giả.

Còn Mousumi Mukherjee tại Đại học toàn cầu O.P. Jindal cho rằng một nguyên nhân khác là các cơ chế quản lý và đảm bảo chất lượng giữa các bang của Ấn Độ không hiệu quả.

Các chuyên gia đánh giá điều này khó có thể cải thiện sớm, thậm chí Giáo sư Majumdar dự đoán vấn đề có thể còn trở nên tồi tệ hơn.

"Giáo dục đại học công ngày càng suy yếu ở Ấn Độ. Một tỷ lệ lớn trong số những trường tư lập ra sẽ tìm kiếm lợi nhuận một cách trắng trợn, và sẽ luôn có đại học giả", ông nói.

Doãn Hùng (Theo THE, The Times of India)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022