Vài ngày trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn trả lời Hà Nội về kế hoạch tuyển sinh lớp không chuyên ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trong đó, Bộ cho hay theo Luật Giáo dục năm 2019, trường chuyên chỉ được thành lập ở cấp THPT. Do đó, không có trường THCS trong trường chuyên.
"Đề nghị Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định", văn bản của Bộ nêu.
Hệ THCS (thường được gọi là Ams2) của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được thành lập năm 2009 theo quyết định của UBND thành phố. Mỗi năm, Ams2 tuyển 200 học sinh, nhận khoảng 3.000-5.000 hồ sơ. Do số lượng đăng ký lớn, trường đặt nhiều tiêu chí về học bạ để xét tuyển vòng 1. Học sinh phải đạt 10 điểm ở hầu hết môn trong 5 năm tiểu học mới có thể đăng ký và vào vòng thi tuyển.
Trả lời VnExpress ngày 5/3, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quang Tuấn cho biết Sở sẽ cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để có thể tiếp tục tuyển sinh vì "theo xã hội đánh giá, chất lượng học sinh hệ này rất tốt".
Thí sinh dự thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, năm 2020. Ảnh: Thanh Hằng
Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới về quy chế tổ chức hoạt động của trường THPT chuyên. So với thông tư cũ ban hành từ năm 2012, quy định mới yêu cầu "không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên", bắt đầu từ năm nay.
Sau quy định này, tất cả trường chuyên trong cả nước thông báo dừng tuyển hệ cận chuyên hay các lớp chất lượng cao.
Nghị quyết hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1996 yêu cầu không tổ chức lớp chuyên ở hệ tiểu học và THCS. Từ năm 1997, ngành giáo dục đã xóa bỏ các trường năng khiếu ở bậc học này. Những năm gần đây, dù không còn tên gọi trường chuyên, song nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bắc Ninh... có các trường trọng điểm, trường chất lượng cao, trường mô hình tiên tiến hội nhập. Các trường này tuyển học sinh bằng cách tổ chức thi thay vì theo hộ khẩu thông thường.
Thanh Hằng