Cậu bé Nam Long (12 tuổi, đến từ TP.HCM) là nhân vật đang được nhắc tên khá nhiều trên MXH những ngày gần đây với thành tích là một trong những thí sinh nhỏ tuổi đạt 920/990 TOEIC với điểm nghe gần tuyệt đối 485/495 tại Việt Nam. Không những vậy, cậu bé này cũng từng khiến mọi người ngưỡng mộ khi biết lập trình từ năm lớp 1 và nhận dạy lập trình cho các bạn đồng tuổi ở Úc, Pháp, Canada,... Năm ngoái, em đã vào thực tập tại một công ty công nghệ có tiếng sau khi lựa chọn giữa 6 lời mời khác nhau.

Để có được thành tích đáng nể như vậy, tất nhiên không thể không kể đến phương pháp giáo dục tuyệt vời của bố mẹ cậu bé.

photo-8-17095521852692132263969.jpg

Nam Long và bố, anh Nam Nguyễn

Không cần cho con “học” tiếng Anh nữa

Nói về bí kíp con trai có thể thành thạo tiếng Anh từ nhỏ, anh Nam Nguyễn - bố của Nam Long cho biết trước tiên đến từ năng khiếu. Hiện tại, Nam Long đã sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ hằng ngày chứ không phải nói để học nữa. Thế nên việc cậu bé đạt được 920 TOEIC là chuyện bình thường.

Trước đó, từ khi cậu bé được 2, 3 tuổi, gia đình cũng cho Nam Long học tiếng Anh ở trung tâm hoặc thuê gia sư người nước ngoài như nhiều bố mẹ khác. Thời điểm vàng cần tập trung học tiếng Anh hay ngoại ngữ nói chung là 4 đến 6 tuổi. Theo anh Nam, đợi đến lúc con 8 tuổi thì đã hơi muộn. Trước 4 tuổi, việc học chỉ là học từ vựng. Từ 4 đến 6 tuổi, cậu bé học giao tiếp.

Việc “nạp” tiếng Anh của Nam Long diễn ra một cách tự nhiên khi trong nhà, bố mẹ cũng nói tiếng Anh và khi đi chơi với các bạn cũng sử dụng ngôn ngữ này. Ban đầu, khả năng nghe nói của Nam Long tốt hơn và dần dần sau thì kĩ năng đọc viết cũng tự hoàn thiện.

photo-7-1709552184363530884869.jpeg

Nam Long đạt 920 điểm TOEIC, con số nhiều người lớn cũng mơ ước

Từ khi 6 tuổi, Nam Long đã thích xem và nghe nhiều YouTube và phim Netflix, cũng như tạo thành nếp sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính hằng ngày. Thêm vào đó, ở nhà bố mẹ cũng sử dụng tiếng Anh và tạo môi trường rất tốt. Thế nên khác với nhiều bạn bè khác, cậu bé chưa từng phải “khổ sở” làm bài tập tiếng Anh, vì tiếng Anh đã thành thạo một cách từ từ và tự nhiên như vậy.

Dạy con không áp lực

Hiện tại, Nam Long đang học lớp 6, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Về lí do không muốn cho con học trường quốc tế theo xu hướng dù gia đình đủ điều kiện, anh Nam cho biết nguyên nhân đơn giản là cảm thấy trường quốc tế không đủ cạnh tranh. Đây là nơi tập hợp một số lượng con nhà giàu, học theo phương pháp thoải mái và việc học có vẻ hơi “sướng” so với trẻ nhỏ học trường công kiểu truyền thống.

Theo quan điểm của anh Nam, anh muốn con trai mình biết “khổ” trước ngay từ nhỏ để có thể rèn luyện nhiều kĩ năng ở trường công như thế hệ trước đã trải qua. Bên cạnh đó, một trong những điểm cộng của trường quốc tế là môi trường tiếng Anh, nhưng Nam Long đã có thể tự học tiếng Anh rồi nên không cần thiết nữa. Ngay cả việc cậu bé đi thi TOEIC ở tuổi 12 cũng chỉ là kết quả từ một cuộc cá cược với bố với tinh thần đi thi… cho vui mà thôi.

photo-6-17095521835791452275998.jpg

Nam Long đi thi TOEIC hóa ra chỉ để... cho vui

Bên cạnh điểm TOEIC 920, Nam Long còn biết lập trình và từng nổi tiếng với câu chuyện được 6 công ty game mời về thực tập từ lúc học lớp 4. Dù có bảng thành tích ấn tượng đến vậy, tại trường cấp 2 hiện tại, Nam Long không phải học sinh xếp nhất hay nhì lớp như mọi người hình dung. Anh Nam cho biết mình chỉ đặt ra mục tiêu với con là miễn không xếp top cuối là được, hoàn toàn không cần xếp top đầu. Nếu được, bé cũng nên xếp hạng nhất trong lớp 1 môn học nhất định, dù là Toán Văn hay Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, GDCD đều được.

photo-5-17095521824462024370666.pngphoto-4-1709552180480222225245.jpg

Cậu bé đã học lập trình từ lớp 1

Không những không học trường tư, trường quốc tế, cậu bé này còn không đi học thêm như các bạn cùng trang lứa. Bố của Nam Long chia sẻ mỗi ngày, em chỉ học tầm nửa tiếng khi về nhà và học 2 - 3 tiếng vào cuối tuần. Chính vì thời gian “cắm đầu” vào bàn học không nhiều nhưng mỗi khi học, Nam Long sẽ vô cùng tập trung và chất lượng hơn thời lượng. Trong thời gian các bạn khác đi học thêm thì Nam Long… chơi game. Theo anh Nam, điểm bất lợi của những bạn đi học thêm nhiều là dễ mất sự tập trung, sau một ngày dài học trên trường còn phải đi học thêm, tối về nhà tự học gần như là không thể vì không còn sức. Dù học ít thời gian nhưng dành toàn bộ sự tập trung vào 1 tiếng, 30 phút thì vẫn hiệu quả hơn.

Một phần thành tích của những trường hợp như Nam Long đến từ việc được hưởng nền giáo dục tốt và sự chỉ dẫn đúng đắn của bố mẹ. Vậy với những đứa trẻ “bình thường” khác, liệu có cơ hội để đạt được các thành tích tương tự như vậy không? Trước vấn đề này, anh Nam cho biết Nam Long có hai lợi thế so với các bạn.

Lợi thế thứ nhất là ở việc Nam Long là một đứa trẻ thông mình, không phải là vượt trội hay thần đồng. Bé có khả năng tiếp thu nhanh, khả năng lý luận sắc bén. Cái lợi thế thứ hai là gia đình giáo dục có phương pháp, đi vào thực chất, tập trung vào những điểm cần thiết. Nhưng cả 2 điều này chỉ chiếm khoảng 40% kết quả cuối cùng. Khoảng 60% còn lại những đứa trẻ bình thường nếu mà làm theo đúng phương pháp thì vẫn có thể xuất sắc, vì còn rất nhiều yếu tố khác nữa trong giáo dục.

photo-3-170955217940732326383.jpg

Gia đình cho biết Nam Long là một em bé thông minh nhưng không phải thần đồng

photo-2-17095521784281793644839.jpgphoto-1-1709552177536969378617.jpg

Cậu bé cũng có những sở thích và tật xấu như chúng bạn

Dù có những thành tích khiến người lớn cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ, anh Nam cho biết Nam Long vẫn chỉ là một đứa trẻ bình thường, cũng lười biếng và nghịch ngợm. Ở nhà, bố mẹ dù bận rộn nhưng vẫn dành nhiều thời gian chơi với con, đồng hành một cách thực sự cùng bé chơi, học chứ không chỉ là ngồi cạnh.

Để có thể nói chuyện với bố, Nam Long còn tìm hiểu cả những lĩnh vực rất “người lớn” như chứng khoán và kinh tế. Sau tất cả, kết quả tốt nhất mà anh Nam cho rằng mình đã đem đến cho con là sự tự tin. Việc có khả năng lý luận, được lớn lên như một cái cá thể độc lập, có chính kiến của mình đã tạo nên sự tự tin cho trẻ và từ đó trẻ sẽ tự nhiên học giỏi mà không cần bất kì khuôn mẫu, áp lực hay kì vọng nào.

Ảnh: NVCC

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022