Mỗi khi nhắc đến động đất, người ta không thể không nói đến Nhật Bản, đất nước phải hứng chịu nhiều trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại, chẳng hạn như thảm hoạ kép năm 2011 khiến gần 16.000 người thiệt mạng.
Hình ảnh những ngôi nhà bị phá hủy bởi trận động đất hôm 1/1/2024 ở Kanazawa, Ishikawa (Nhật Bản). Bởi vị trí địa lý đặc biệt, nằm ngay dọc Vành đai lửa Thái Bình Dương nên Nhật Bản thường xuyên phải hứng chịu các thiên tai như động đất, sóng thần.
Ngày 1/1/2024, trận động đất 7,6 độ richter làm rung chuyển một vùng miền Trung Nhật Bản, khiến cuộc sống của gần 2 triệu người bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn người phải đi sơ tán. Lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Những trận động đất khoảng 4-5 độ richter thì quá nhiều. Tuy nhiên, thực tế là trong số những trận động đất mạnh từ 6 độ richter trở lên, số lượng thương vong đã giảm đáng kể so với trong quá khứ nhờ những giải pháp ứng phó hiệu quả.
Đặc biệt, với những đứa trẻ, thành phần dễ bị tổn thương nhất trong các thảm họa, người Nhật đã chú trọng rèn luyện và tập huấn cho các em bé mỗi khi có thiên tai xảy ra. Nó như bài học đầu đời nhưng cũng là bài học đi theo cả đời các em, chỉ bởi các em sinh ra đã là người con của nước Nhật.
Ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, không thiếu những hình ảnh diễn tập cứu hỏa khẩn cấp ở các trường học. Và ở Nhật Bản cũng vậy, các nhà chức trách thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó với động đất. Một số trường còn thực hiện công tác này mỗi tháng một lần để các em nhỏ luôn "ghi nhớ" và luôn trong tâm thế sẵn sàng.
Không chỉ lớp tiểu học hay trung học cơ sở, những em bé mầm non nhỏ xíu cầm thìa bát chưa vững nhưng đã được giáo dục cách tốt nhất để tìm kiếm sự bảo vệ và giữ an toàn nếu một trận động đất xảy ra ở khu vực các em đang đứng.
Trẻ em Nhật Bản được học kỹ năng phòng chống thảm họa từ khi còn rất nhỏ.
Phương pháp phổ biến nhất trong quá trình diễn tập là cho các em chui xuống gầm bàn và bám vào chân bàn cho đến khi trận động đất kết thúc. Nếu chơi bên ngoài, trẻ được dạy đi thẳng vào giữa vùng đất trống để tránh bị mảnh vụn rơi trúng.
Ngoài ra, các nhà trường còn tổ chức các chuyến đi thực địa ở Nhật Bản, nơi nhân viên sở cứu hỏa địa phương đưa các bé vào thiết bị mô phỏng động đất để chúng có thể nhận biết cảm giác rung lắc về động đất từ khi còn rất nhỏ.
Những khẩu hiệu phòng chống thiên tai được truyền lại qua nhiều năm
Đặc biệt, câu khẩu hiệu "Sóng thần Tendenko" đã được truyền lại từ thời xa xưa. "Tendenko" có nghĩa là "mỗi người riêng lẻ", vì vậy "Sóng thần Tendenko" được dùng để khuyến khích mọi người tự mình chạy lên nơi cao nhanh chóng hơn là cố gắng bám vào người thân vì sóng thần sẽ ập đến sau một trận động đất lớn.
Bằng cách này, chương trình giáo dục thiên tai thường xuyên được tổ chức tại các trường tiểu học Nhật Bản với những bài học từ quá khứ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mạng sống của các em.
Ví dụ thực tế về giáo dục thiên tai
Trường tiểu học Motoshiro nằm ở thành phố Toyota thuộc tỉnh Aichi, ngay khu vực trung tâm giữa Tokyo và Osaka, thường tổ chức huấn luyện sơ tán hàng năm để chuẩn bị cho hỏa hoạn và động đất.
Học sinh nghiên cứu các tuyến đường sơ tán, sau đó đi bộ qua tuyến đường đến trường trung học cơ sở địa phương hoặc đến nơi trú ẩn sơ tán trên nóc một trung tâm mua sắm gần đó.
Những đứa trẻ được học những bài học đầu đời về ứng phó với thảm họa, thiên tai.
Trường tiểu học này cũng hợp tác với một trường đại học và đo thời gian thực tế cần thiết để sơ tán bằng GPS. Dữ liệu thu thập được sẽ được sử dụng cho việc huấn luyện sơ tán trong năm tới, chẳng hạn như để cân nhắc về tuyến đường tốt nhất nên đi hoặc việc nên chọn áo mưa hay ô trong trường hợp trời mưa.
Trường tiểu học Tsurukawa Daini ở Machida, phía Nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tổ chức các cuộc diễn tập về phòng chống thiên tai hàng năm, nơi học sinh được dạy các hành động cần thực hiện để bảo vệ mạng sống của mình khi có thảm họa.
Các em được dạy về các điểm sơ tán chính, những điều cần chú ý cẩn thận khi mưa lớn và các địa điểm gây nguy hiểm như sông và vách đá.
Học sinh sẽ có nhận thức rõ ràng hơn về thảm họa. Giáo viên tại trường cho biết học sinh đã có thể nhận thức và hành động khi bão đến gần.
Nhà trường cũng tổ chức đào tạo cả người giám hộ đón con, mô phỏng tình huống xảy ra một trận động đất lớn.
Trong khóa đào tạo này, trường tiểu học sẽ chăm sóc học sinh cho đến khi cha mẹ hoặc người giám hộ đến đón vì phương tiện giao thông công cộng sẽ ngừng hoạt động sau trận động đất nên các em sẽ không thể tự về nhà. Khóa đào tạo này cũng giúp phát triển mạng lưới liên lạc giữa nhà trường và người giám hộ.
Ở Nhật Bản, học sinh thường đi về nhà theo nhóm khi có bão đến gần hoặc trong những tình huống tương tự. Các trường học có thể sử dụng gửi email hàng loạt để thông báo cho các đội tuần tra an toàn địa phương cũng như người giám hộ, cho phép giáo viên dẫn học sinh đến địa điểm cần thiết, trong khi người dân địa phương trông chừng để đảm bảo các em luôn được an toàn.
Có một câu nói nổi tiếng về phòng chống thiên tai mà mọi đứa trẻ ở Nhật Bản đều biết: "không xô đẩy, không chạy, không nói và không quay lại". Ngoài cụm từ này, trường này còn đưa vào hướng dẫn "không được đến gần" nghĩa là học sinh nên tránh xa những khu vực nguy hiểm.
Có cả cơ sở trải nghiệm phòng chống thiên tai
Nhật Bản có nhiều cơ sở học tập trải nghiệm phòng chống thiên tai, nơi cả người lớn và trẻ em có thể tìm hiểu về thảm họa và trải nghiệm các thảm họa mô phỏng.
"Trung tâm Honjo" trực thuộc Sở Cứu hỏa Tokyo cung cấp một chuyến tham quan trải nghiệm phổ biến mà các gia đình có thể cùng nhau tham gia.
Phụ huynh và trẻ tham gia trải nghiệm chữa cháy bằng cách sử dụng bình chữa cháy để phun nước vào nguồn lửa hiển thị trên màn hình. Một vài em bé cho biết "bình chữa cháy ngoài đời thực rất nặng".
Một phụ huynh bày tỏ cảm xúc: "Thảm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đây là cơ hội để chúng tôi cùng nhau nói chuyện với nhau như một gia đình về việc xem xét lại việc chuẩn bị những món đồ phòng bị cần thiết ở nhà".
Nguồn: The Culturetrip, Web Japan