Nguyễn Ngọc Dũng, 22 tuổi, quê Thái Nguyên, tốt nghiệp ngành Điều tra hình sự với điểm trung bình 3.51/4, dẫn đầu toàn Học viện. Thành tích này giúp Dũng được thăng hàm từ Thiếu úy lên Trung úy trước thời hạn một năm.

a8bf4381-ca8a-4f35-8b91-5c2628-2047-3680-1704103933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-wtgowuX1yyhOIxvxe82DA

Dũng nhận hoa, giấy khen sau lễ tốt nghiệp của Học viện An ninh nhân dân, ngày 26/12. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ năm lớp 10, Dũng đã theo học trường Văn hóa 1, Bộ Công an. Chàng trai người dân tộc Tày nói lựa chọn này do được truyền động lực từ anh trai, cũng công tác trong ngành công an.

Đây là trường đào tạo văn hóa dành cho học sinh người dân tộc thiểu số. Hàng ngày, ngoài giờ học chính học sinh còn tham gia các hoạt động huấn luyện, tương tự với môi trường đào tạo lực lượng vũ trang chuyên nghiệp.

Nhờ vậy, khi trở thành sinh viên Học viện An ninh nhân dân, Dũng không mất nhiều thời gian để thích nghi. Với chàng trai quê Thái Nguyên, điểm khác biệt lớn nhất giữa cấp ba và đại học là bản thân phải tự giác hơn rất nhiều. Nếu như trước kia, Dũng có giờ tự học bắt buộc vào buổi tối, được thầy cô giám sát, nhắc nhở thì cuộc sống sinh viên yêu cầu sự chủ động cao hơn. Vì thế giai đoạn đầu, Dũng lúng túng để chọn phương pháp học phù hợp.

Môn học mà Dũng sợ nhất là Triết học, ngay năm đầu tiên. Khối lượng kiến thức lớn, lại khó hiểu, khó nhớ khiến chàng trai sinh năm 2001 chật vật. May mắn là bài thi cuối kỳ theo hình thức vấn đáp, sinh viên có thể diễn tả ý hiểu của mình nên Dũng "gỡ gạc" được điểm số ở môn này.

Nhưng tổng thể, Dũng vẫn thấy kết quả học tập năm thứ nhất chưa được như mong muốn. Phải nhờ điểm cộng vì giữ chức lớp trưởng, Dũng mới đạt loại giỏi. Điều này là cú hích để Dũng thay đổi.

"Mình là cán sự lớp thì phải có trách nhiệm, khích lệ và hỗ trợ được anh em trong các hoạt động và học tập. Vì vậy, mình cố gắng học để đạt thành tích tốt hơn", Dũng nhớ lại.

10024dc9e041481f1150-2087-1704103933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PnyPatqMbUtQpOHtb00Ucw

Dũng nhận giấy khen xuất sắc của Giám đốc Học viện An ninh nhân dân về phong trào "Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy", tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với các môn đại cương hoặc liên quan tới luật, Dũng chú ý ghi chép, bởi những nội dung thầy cô nhấn mạnh đều là kiến thức trọng tâm. Gần thi, Dũng ôn tập kết hợp vở ghi với đề cương và giáo trình. Trước đó, để có thêm kiến thức thực tiễn, nhớ bài lâu và rèn khả năng viết, Dũng chủ động tham gia các cuộc thi Tìm hiểu Triết học Mác-Lênin, Tìm hiểu pháp luật.

Mọi thứ dễ dàng hơn ở các môn chuyên ngành vì Dũng rất hứng thú. Chàng trai quê Thái Nguyên thích những lần được tiếp xúc với các trang thiết bị dùng trong điều tra, thực hành khám nghiệm hiện trường. Theo anh, vững kiến thức chuyên môn giúp bản thân nói chuyện và tiếp cận các vấn đề tự tin hơn.

Ngoài thời gian học, Dũng còn tham gia các hoạt động phong trào của trường và ngành công an. Tháng 6/2023, Dũng là đại diện duy nhất của Học viện An ninh nhân dân được tới quần đảo Trường Sa theo chương trình Sinh viên với biển đảo Tổ quốc. Chuyến đi kéo dài 7 ngày, được tới các đảo, gặp gỡ bộ đội và người dân, anh ấn tượng với tinh thần lạc quan, lòng yêu nước và sự hy sinh của họ.

"Chuyến đi giúp mình được truyền cảm hứng, thấy cần học tập, rèn luyện và sống có trách nhiệm hơn", Dũng nói

f9b376d8-f112-4d57-a679-de9f71-6446-7805-1704103933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sAT0lyOAyc-9XwC-Ov0IhQ

Dũng (bên phải) trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thượng tá Lê Lương Sơn, Phó trưởng khoa An ninh điều tra, Học viện An ninh nhân dân, là người trực tiếp giảng dạy nhiều môn chuyên ngành và hướng dẫn Dũng một số đề tài nghiên cứu khoa học. Thầy Sơn đánh giá học trò nghiêm túc, chủ động và chịu khó. Dũng có kỷ luật tốt, một khi đã đặt mục tiêu là tuân thủ kế hoạch đặt ra.

Trong các hoạt động đoàn thể, Dũng chín chắn, có uy tín với lớp và trường. Nhờ vậy, các thành viên trong lớp tôn trọng và nghe theo sự điều hành của ban cán sự, đạt nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện.

"Tôi thấy Dũng có nhiều ưu điểm nên nhiều lần động viên em cố gắng vì có thể đạt thủ khoa", thầy Sơn nói, cho biết không quá bất ngờ về thành tích của học trò.

Còn với Dũng, trở thành thủ khoa là điều anh chưa từng nghĩ đến. Ngày được bố mẹ chở xuống trường nhập học, Dũng chỉ mong tốt nghiệp với kết quả tốt. Sau này nhìn lại, Dũng có chút tiếc nuối vì không vạch kế hoạch rõ ràng từ sớm, khiến kết quả năm nhất chưa được như ý.

Vì thế, Dũng cho rằng sinh viên cần xác định mục tiêu dài hạn, rồi chia nhỏ các bước cần đạt theo mỗi kỳ, mỗi năm để có động lực cố gắng và theo sát kế hoạch đề ra.

Dũng đang ở nhà trong lúc chờ quyết định phân công công tác. Dũng cho biết không ngại làm việc xa nhà, chỉ mong có cơ hội học hỏi, áp dụng kiến thức đã học trong trường vào công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022