Sau mỗi kỳ thi, sẽ luôn có những em học sinh vui sướng hân hoan vì đỗ đạt cao, và ngược lại, cũng sẽ có những em buồn bã vì kết quả không như mong đợi. Thậm chí, nhiều em còn rơi vào trạng thái stress trước áp lực từ gia đình.

Vào thời điểm này, chỉ cần một lời động viên của phụ huynh rằng "con đã cố gắng nhiều rồi", "bố mẹ sẽ luôn đứng về phía con" là đủ để các em cảm thấy mọi chuyện bớt tệ và xốc lại phần nào tinh thần. Đương nhiên, để thốt ra được lời động viên như vậy, chắc hẳn ông bố, bà mẹ đó cũng phải trải qua quá trình suy tư chẳng hề dễ dàng.

Mới đây, trong một hội nhóm rất đông phụ huynh tại TP.HCM, một sĩ tử 2k9 đã chia sẻ lại câu chuyện của mình. Bài đăng nhanh chóng thu hút nhiều sự chú ý cũng như đồng cảm.

"Con sinh năm 2009, vừa rồi thi vào 10 thì con trượt 3 nguyện vọng. Mẹ con nói là không sao đâu, còn nhiều con đường khác để phát triển chứ không riêng gì học trường công đâu, mẹ luôn ủng hộ con nhiều con đường. Nhưng con vẫn nghĩ mẹ buồn và thất vọng về con lắm.

Con không biết mẹ nghĩ gì nữa vì mẹ con khá trầm tính nhưng rất hay suy nghĩ và nghĩ ngợi nhiều.

Con chỉ muốn chia sẻ câu chuyện nhỏ này để xin biết cảm nghĩ của cô chú nếu ở vị trí của mẹ con thì sẽ như thế nào. Con không phải ham chơi không học nhưng thú thật con học không được tốt lắm. Con thấy mình giống như luôn là nỗi lo lắng của mẹ vậy ạ", bạn học sinh này viết.

photo-2-1720529409171326623204.jpg

Con trượt lớp 10 công lập, cha mẹ cảm thấy thế nào?

Trước những chia sẻ của sĩ tử 2k9 này, nhiều người cho rằng chỉ qua vài câu chữ cũng có thể nhận đấy đây là một em bé hiểu chuyện, luôn nghĩ đến người khác. Song song với đó, nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ cảm xúc của bản thân khi đặt mình vào vị trí của mẹ em học sinh trên.

Người dùng N.T.M tâm sự: "Cô cũng làm mẹ và cô hiểu được cảm giác này, buồn nhưng phải cố giấu cảm xúc vì con đã buồn mà mẹ còn buồn nữa thì con biết dựa vào ai? Trong thời gian này con nên gần gũi với mẹ nhiều hơn, làm việc nhà phụ cùng mẹ và con hãy nói với mẹ rằng: 'Mẹ ơi, Con biết mẹ buồn và con cũng vậy. Con thương mẹ rất nhiều. Con sẽ cố gắng nỗ lực con đường tiếp theo. Con cảm ơn mẹ vì đã luôn đồng hành cùng con'. Nói xong, con nhớ ôm mẹ một cái con nhé. Mẹ đã đặt niềm hy vọng vào con nên hãy cư xử trưởng thành hơn. Thương mẹ bằng hành động chứ không chỉ ngồi tự nghĩ. Hãy cố gắng kết nối với mẹ con nhé!".

"Nếu cô là mẹ con, cô sẽ thấy buồn. Nhưng cô sẽ chọn cách bày tỏ cảm xúc giống mẹ con - im lặng. Cô nghĩ mẹ đang bắt đầu sắp xếp các khoản thu chi, tìm cho con ngôi trường tốt và phù hợp với điều kiện gia đình. Sau đó, lại hy vọng với kết quả không như ý này, con sẽ trưởng thành hơn, thương mẹ hơn và nỗ lực để 3 năm sau có quả thi tốt nghiệp THPT tốt đẹp như ý. Chúc con mạnh mẽ, học giỏi và mãi mãi là niềm vui của mẹ", phụ huynh T.P tâm sự.

photo-1-1720529406921470370071.jpeg

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng là bậc làm cha làm mẹ, chỉ cần nhìn thấy con vui, hạnh phúc và mạnh khỏe là đủ. Đó là điều mà phụ huynh nào cũng mong mỏi, chứ không khi không phải là những điều quá to tát.

"Cố gắng vượt qua nha con. Chỉ cần thấy con vui là cha mẹ yên lòng. Cô cũng có 2 bé 2k2 và 2k5. Bạn 2k5 trước cũng trượt cả 3 nguyện vọng, cấp 3 phải học trường tư vậy mà đại học bạn ấy lại đỗ trường công. Còn bạn 2k2 đang học Y năm 3 nhưng đã bỏ dở vì quá áp lực. Giờ bạn ấy đã chuyển sang học ngành khác. Là cha mẹ chỉ cần thấy con mình vui vẻ hạnh phúc là đủ rồi", người dùng T.H.P để lại lời khuyên.

Đồng quan điểm, ông bố với nickname J.P để lại bình luận: "Buồn một chút thôi con. Thật ra ba mẹ thương con không có điều kiện gì đâu. Con có là gì, con như thế nào thì mãi mãi ba mẹ vẫn yêu thương con hết lòng. Có được đứa con hiểu chuyện như con đó cũng là điều hạnh phúc của mẹ rồi ,con đường nào cũng sẽ thành công nếu mình nỗ lực phấn đấu".

"Trượt cấp 3, không sao đâu con, miễn là con có ý chí bước tiếp. Con học Giáo dục thường xuyên hoặc trường tư, rồi cố gắng thi Đại học. Hoặc con học nghề, học tiếng rồi đi xuất khẩu lao động. Mẹ con vui khi con vui, con khỏe và ngoan", phụ huynh P.T.Q.H nói.

Còn bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu chẳng may con mình trượt cấp 3?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022