Giúp trẻ “cai nghiện” thiết bị điện tử, mạng xã hội trong thời gian sớm nhất để trẻ trở về nhịp học tập thường ngày.
Trẻ “nghiện” smartphone gia tăng
Thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhất là các chương trình giải trí hấp dẫn dành cho trẻ em, đã khiến tình trạng trẻ “nghiện” smartphone ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời gian hè, khi các con được nghỉ học.
Kể từ lúc con được nghỉ hè là chuỗi ngày chị Nguyễn Thị Minh Hiền (quận Long Biên, Hà Nội) đau đầu vì không biết làm thế nào để con bớt xem tivi và chơi game trên điện thoại. “Trước khi đi làm tôi luôn dặn con chỉ được xem tivi 30 - 45 phút, nhưng nhiều lúc kiểm tra camera vẫn bắt gặp con đang chăm chú theo dõi phim kéo dài hàng tiếng. Nhiều lúc đi làm về mệt mỏi, thấy con dán mắt vào tivi không thì cũng cầm điện thoại chơi game khiến tôi ức chế, không kiềm được mà mắng con”, chị Hiền tâm sự.
Chia sẻ của chị Hiền cũng là nỗi niềm của rất nhiều phụ huynh trong những ngày này, khi còn một tháng nữa mới hết kỳ nghỉ hè. Giống như chị Hiền, 2 tháng qua, khi bước chân về nhà sau giờ làm, câu cửa miệng của chị Bùi Hồng Lê (quận Hà Đông, Hà Nội) luôn là: “Tắt ngay điện thoại, tivi đi”. Sau “mệnh lệnh” ấy, hai đứa trẻ nhà chị phụng phịu, đứa tắt điện thoại, đứa tắt tivi, gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng. Chị Lê có hai con trai, đứa lớn 13 tuổi, đứa bé 7 tuổi. Từ đầu tháng 6, hai con của chị được nghỉ hè, còn vợ chồng chị vẫn phải đi làm bình thường nên việc hạn chế con khỏi các thiết bị điện tử chỉ trông chờ vào sự tự giác của con, nhưng rất khó vì con vẫn đang tuổi ham chơi, chưa biết suy nghĩ chín chắn hơn.
Không chỉ “nghiện” tivi, “nghiện” chơi game, nhiều gia đình cũng hốt hoảng khi con quá “nghiện” mạng xã hội. Kể từ khi mạng xã hội phát triển, có Facebook, TikTok..., số lượng trẻ sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, đặc biệt trong vài năm trở lại đây là trẻ sử dụng TikTok quá nhiều. Không ít trường hợp trẻ xem và học theo các video hướng dẫn, thử thách trên mạng xã hội gây những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó việc lướt TikTok trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng tập trung, dễ dẫn đến việc khi quay trở lại trường học sẽ khó có thể chú tâm học tập khi tâm hồn đã bị mạng xã hội “đánh cắp”.
PGS.TS Đinh Hồng Hải - Trường Đại học Khoa học - Xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nêu thực tế: Tôi biết có rất nhiều trường hợp khá đau lòng và thậm chí có một số trường hợp các em “chết gục” trên bàn sau hàng tuần trời chỉ ăn mì tôm và chơi game online. Đấy là một hồi chuông cảnh báo trên khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Cái mà chúng ta gọi là “nghiện game” hay là “nghiện net” ở đây chính là đời sống ảo, nó giúp cho người ta thăng hoa trong thế giới ảo đó nhưng lại hủy hoại về thể chất, tinh thần con người trong đời sống thực. Điều này vô cùng nguy hiểm. Đấy là lý do vì sao mà trong gia đình Bill Gates, mặc dù là một tỷ phú về công nghệ nhưng ông chỉ cho con cái mỗi ngày được phép dùng mạng xã hội trong hai tiếng.
Nghiện Internet đã trở thành một thực trạng đáng báo động. Ông Đinh Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TTTT) dẫn báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết, tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ tham gia khảo sát sử dụng Internet hơn 1 tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng Internet từ 1-3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố mẹ/người thân. Đáng chú ý chỉ có 30,4% bố mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ, chưa kể 4% trẻ em giấu không cho bố mẹ/người thân biết mình có sử dụng Internet. Trẻ ở lứa tuổi lớn hơn thì giấu không cho bố mẹ/người thân biết về các hoạt động trên mạng Internet của mình nhiều hơn nhóm trẻ ở lứa tuổi nhỏ (7,6% so với 1,3%). Đa số trẻ tham gia khảo sát (60%) trả lời là cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. Tuy nhiên, trẻ em cũng nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng Internet, đặc biệt là bị “nghiện” Internet (60,9%).
Cần thời gian thích ứng
Chuẩn bị bước vào năm học mới, hầu hết cha mẹ đều mong muốn có thể “tách” con khỏi tivi, điện thoại, mạng xã hội để quay trở lại nhịp học nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện đúng. Nhiều cha mẹ cấm đoán, mắng mỏ, tịch thu điện thoại, cắt mạng Internet… Tuy nhiên, những hành động mang tính chỉ trích, cưỡng chế như vậy khó có thể giúp con “cai” điện thoại, tivi mà chỉ càng khiến con khó chịu, phản kháng.
Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MDS), khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tiếp cận với con theo phương pháp đồng hành. Bằng tình yêu thương, cha mẹ hỏi han và tìm hiểu các trải nghiệm của con trên môi trường mạng, học tập cùng con, cùng nói chuyện, tâm sự và tìm ra những giải pháp cho các tình huống, vấn đề con có thể gặp phải trên môi trường mạng. Chẳng hạn, trong dịp hè, bố mẹ có thể tranh thủ lúc con rảnh rỗi cùng giao bài tập gia đình như: Tìm kiếm, trình bày, phản biện với nhau về các rủi ro trên môi trường mạng, giúp cả gia đình vừa học tập, vừa tăng kiến thức kỹ năng số…
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, “cai nghiện” dù là Internet hay mạng xã hội… đều không hề dễ dàng. Một điều rất quan trọng là không dừng hoạt động chơi game, sử dụng mạng xã hội… đột ngột.
“Cần có thời gian thích ứng. Thay vì dừng sử dụng đột ngột, hãy giảm dần thời lượng trong ngày dành cho ứng dụng đó. Bạn có thể tự đặt quy định về thời gian sử dụng và nghiêm túc thực hiện. Thời gian cứ giảm dần cho đến khi có thể kiểm soát được việc sử dụng các ứng dụng của bản thân”.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thể chất như chơi thể thao, làm cho bản thân bận rộn. Rảnh rỗi sẽ khiến trẻ không biết làm việc gì ngoài việc đắm chìm trong trò chơi, mạng xã hội để giết thời gian. Những hoạt động này nên có sự đồng hành của gia đình, người thân và bạn bè thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều, ông Nam gợi ý và cho biết thêm: “Đối với những trường hợp ‘nghiện’ ở mức độ cao hơn thì có thể sử dụng đến tâm lý trị liệu. Tâm lý trị liệu là phương pháp bạn sẽ tiến hành cùng chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, xác định và thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi phiền muộn”, ông Nam nói.
Năm học mới sắp bắt đầu, các bậc phụ huynh cần lưu ý giúp trẻ “cai nghiện” thiết bị điện tử, mạng xã hội trong thời gian sớm nhất để trẻ trở về nhịp học tập thường ngày để không bị “lỡ nhịp” tiếp thu kiến thức.