Điểm đến của nhà báo 40 tuổi là chùa Tenko, nằm ở một thung lũng tại Hinohara, Tokyo, cách trung tâm thành phố hơn hai tiếng di chuyển.

Cô đến chùa vào một sáng tháng 2, thời điểm không khí lạnh bao trùm khắp vùng Kanto. Có ba người gồm cả cô tập trung tại chùa lúc 10h30. "Có những ngày, chùa đón gần 100 người đến thiền dưới thác nước", sư trụ trì Takao Seiken cho biết.

Những người tham gia mặc áo choàng trắng bên ngoài, dành khoảng một tiếng để học các phương pháp gassho (chắp tay) và cúi chào từ nhà sư hướng dẫn. Sau đó họ chạy 15 phút trên chân trần, gọi là nghi thức ohyakudo mairi, rồi lái xe khoảng 5 phút đến thác nước Kotengu cao 7 m.

Thiet-ke-chua-co-ten-27-175213-6604-9639-1752134974.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SV8JlwRnLaJvCJMVyorAog

Nhà báo Oikawa (phải) dội nước trước khi thiền dưới thác. Ảnh: Yomiuri

Sau khi cúi chào thần núi và thần thác, họ lần lượt đổ xô nước lên người, chắp tay và đứng dưới thác, dưới sự giám sát của nhà sư hướng dẫn.

Oikawa mô tả hai phút đứng dưới dòng chảy mạnh và lạnh buốt có cảm giác "dài như cả thế kỷ". "Sau cái lạnh đột ngột, tôi rơi vào trạng thái tĩnh lặng, không vướng bận. Tâm trí lẫn cơ thể như bừng tỉnh, cảm giác tràn đầy viên mãn", cô kể, cho biết hai người tham gia cùng đều chia sẻ trải nghiệm tương tự.

Trên chuyến xe buýt về nhà, ba người trò chuyện rôm rả. Ngoài nhóm này còn có 5 người khác đến thác thiền vào buổi chiều, có cả thiếu niên lẫn người ngoài 30 tuổi.

"Cháu muốn loại bỏ những suy nghĩ xao nhãng khi học tập", một học sinh trung học từ Chiba nói với nụ cười rạng rỡ.

"Tôi muốn nhìn nhận lại chính bản thân mình", một nhân viên công nghệ thông tin ở Tokyo chia sẻ.

main-2-1752134618-9516-1752134974.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TL6Z0uTsLyXBcYY39BJ02Q

Nhà sư hướng dẫn theo dõi trải nghiệm thiền dưới thác của một người tham gia ở chùa Tenko. Ảnh: Zenbird

Trong những năm gần đây, lượng khách hàng năm đến chùa Tenko tăng vọt lên khoảng 20.000 người. Theo sư trụ trì Takao, kết quả này là do trải nghiệm thiền dưới thác được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Theo nhà sư, đại dịch Covid-19 khiến người Nhật dành nhiều thời gian ở một mình hơn, từ đó thúc đẩy tự vấn và niềm hứng thú với các hoạt động ngoài trời.

"Có lẽ mọi người đang cố thay đổi lối nghĩ tiêu cực bằng cách mượn sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên", sư Takao nêu quan điểm.

Hàng loạt đền, chùa Nhật Bản đang trở nên cởi mở hơn, tăng cường sử dụng mạng xã hội. Đền Shirataki Daimyojin ở Toba, tỉnh Mie, cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ thiền dưới thác, thiền truyền thống, xông hơi, mở đăng ký trên mạng xã hội.

Chỉ tính riêng năm 2024, đền đã đón khoảng 6.000 người đến trải nghiệm thiền dưới thác. "Số lượng tăng lên hàng năm. Nhiều người nước ngoài cũng tìm đến, có lẽ vì sức hấp dẫn lan tỏa qua mạng xã hội", Shigeki Matsumoto, đại diện hiệp hội hỗ trợ địa phương, nói.

perspective-waterfall-P3-17521-5307-8771-1752134974.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h51gSJ8RMA6dY-Et39EGTw

Chứng nhận hoàn thành trải nghiệm thiền dưới thác của đền Shirataki Daimyojin ở Toba, tỉnh Mie. Ảnh: Yomiuri

Trước tình hình du lịch bùng nổ, chính quyền thành phố Izumisano ở Osaka bắt đầu cung cấp các tour du lịch cho người nước ngoài có thiền dưới thác.

Thực tế, hoạt động này đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước ở Nhật Bản, là hình thức rèn luyện khổ hạnh, mài giũa tâm trí, gột rửa cơ thể. Trong tín ngưỡng thờ cúng thiên nhiên của người Nhật, thác nước được xem là chốn linh thiêng.

"Đây là một phần văn hóa Nhật Bản. Chúng tôi tin trải nghiệm này rất hấp dẫn đối với người nước ngoài", cơ quan xúc tiến du lịch của Izumisano cho biết.

"Hòa mình vào dòng chảy thiên nhiên là phù hợp với văn hóa tâm linh của người Nhật", giáo sư Hiroyuki Fukuhara từ Đại học Ritsumeika, người thường xuyên phỏng vấn các thiền sinh của phương pháp này, nói.

Giáo sư lưu ý thác nước có thể kích thích, giúp điều hòa hệ thần kinh. "Có lẽ người hiện đại tìm đến phương pháp này nhằm giải phóng cảm xúc bị dồn nén do căng thẳng.

Đức Trung (Theo Yomiuri, Mainichi, Asahi)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022