8h, sau khi hoàn thành bữa sáng với gia đình, em Tuyết Mai (4 tuổi, thành phố Thủ Đức, TP HCM) ngồi vào bàn học, cùng mẹ chuẩn bị cho giờ học trực tuyến. Với sự đồng hành của mẹ, Mai được cô giáo hướng dẫn dùng mọi vật dụng có sẵn trong nhà, từ ly nước, chén ăn đến ngón tay, tăm bông để sáng tạo ra chú chim của riêng mình. Cả lớp có 7 bạn nhỏ, mỗi người đều thích thú hoàn thành tác phẩm, chia sẻ niềm vui qua màn hình.

Kết thúc tiết học vẽ, cô giáo gợi ý các bạn cùng bố mẹ tìm kiếm chú chim thực tế bằng cách ra ban công nhà, xuống sân... rồi quay trở lại lớp, cùng mô tả những điều thú vị mà mình nhìn thấy.

Còn với Quốc Toàn (8 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM), các giờ học online cũng đầy sinh động. Với mỗi kiến thức mới, các thầy cô đặt ra những câu hỏi gợi mở, kích thích sự tò mò, khám phá của học sinh. Các em cùng nhau chia sẻ những kiến thức mình thu thập được từ trước về thế giới tự nhiên, hiện tượng vật lý, khoa học... rồi không ngớt "ồ", "à" trước những thông tin mới mẻ.

Theo các chuyên gia, vượt qua rào cản khi học từ xa, môi trường trực tuyến vẫn có thể duy trì tính tương tác cao, tiếp thu kiến thức tốt và sự hứng thú trong mỗi giờ học khi biết lựa chọn phương pháp thích hợp. Dưới đây là những cách được một số trường quốc tế tại TP HCM áp dụng nhằm tăng hiệu quả học online.

Tăng hứng thú và tính chủ động

Nhà sử học, văn học người Đức - Theodor Mommsen từng nói "Không có đam mê, không có thiên tài". Nhờ đam mê, hứng thú, việc học và trau dồi kiến thức diễn ra một cách tự nhiên, không tạo nên áp lực, quá trình ghi nhớ nhanh chóng, lâu bền.

Để khơi gợi niềm hứng thú trong học tập với trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học, một số trường học áp dụng phương pháp trải nghiệm, giúp trẻ tiếp nhận thông tin một cách đa chiều, dựa trên ứng dụng thực tế. Hoặc cùng với nội dung bài giảng đó, trẻ được tiếp cận qua cách dạy theo dự án, chia thành từng nhóm nhỏ để cùng giải quyết vấn đề như chăm sóc sự sinh trưởng của hạt mầm, hoàn thiện tác phẩm từ vật liệu tái chế...

DN-5T5A3412-2763-1634915256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8HcJ5eCQ8tNdg1BeXo9mcQ

Học sinh được khuyến khích tự mình trải nghiệm, khám phá bài học từ môi trường xung quanh.

Một trong những phương pháp nổi bật với lứa tuổi mầm non là Reggio Emilia. Với triết lý coi trẻ là trung tâm, thầy cô cho phép học sinh khám phá thế giới xung quanh trong môi trường học tập mở, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu từng em. Các em được khuyến khích đặt câu hỏi, tò mò và khám phá về môi trường; tham gia các hoạt động dựa trên sự tự nguyện, tự giác và tích cực. Từ đó, trẻ nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, ngôn ngữ, vận động, tính trách nhiệm, sự tự tin, khả năng làm việc nhóm...

Ở độ tuổi tiểu học, một phương pháp mới được chú ý là học kiểu truy vấn, tăng sự chủ động cho trẻ bằng cách khuyến khích đặt câu hỏi. Giáo viên từ vai trò người giảng dạy trở thành người điều phối và hướng dẫn các hoạt động, nghiên cứu đề tài... Trẻ được nuôi dưỡng đam mê, tăng hứng thú, phát triển kỹ năng nghiên cứu, ghi nhớ kiến thức, giải quyết vấn đề, giao tiếp...

Duy trì nhịp học như tại trường

Với trẻ nhỏ, nhịp sinh hoạt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi hoạt động trong ngày diễn ra theo thứ tự cố định, trẻ có thể tự tin vì biết được những việc sắp tới là gì, thoải mái hơn, tăng tính tự lập. Cũng như vậy, nếu duy trì nhịp học và các hoạt động trên môi trường trực tuyến, trẻ sẽ dễ bắt kịp khi trở lại trường học, hòa nhập tốt hơn với thầy cô, bạn bè.

Tại Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP), với nỗ lực giúp các em sinh hoạt, học tập tại nhà như ở trường, giáo viên luôn đưa ra hướng dẫn và lịch trình cụ thể, tập trung các nhu cầu: ăn uống, học tập, nghỉ trưa, thể dục... Ngoài kiến thức, trẻ cũng được hướng dẫn các môn ngoại khóa, thể dục, tin học, nghệ thuật. Trường duy trì nhiều buổi sinh hoạt với bạn bè và thầy cô qua buổi gặp mặt, lễ hội trực tuyến.

Isspp-5663-1634915256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r-J7x_WCQQydFoTtS4Nxug

Tại ISSP, dù học tại nhà nhưng lịch trình vẫn tương tự ở trường.

Gần nhất, trường có sự kiện Tết trung thu online diễn ra vào ngày 21/9. Trong chương trình, học sinh từ nhiều khối lớp biểu diễn loạt tiết mục thú vị, tham gia trò chơi, chia sẻ hình ảnh đèn lồng và dự thi tìm kiếm tài năng dưới mọi hình thức hát, nhảy, đọc truyện...

Cô Tiffany Proctor, Phó hiệu trưởng ISSP nhấn mạnh, tại trường đội ngũ giáo viên sử dụng từ "học tại nhà" (home-based learning) thay vì từ "học trực tuyến" (online learning).

"Học sinh vừa học trên máy tính vừa có thời gian hoạt động thể chất và tự học tại nhà, đảm bảo việc phát triển toàn diện. Khi trở lại trường, học sinh trải qua hai bài đánh giá, thể hiện lượng kiến thức tiếp nhận trong thời gian qua. Dựa trên kết quả này, bài học sẽ được thiết kế theo năng lực cá nhân, đảm bảo các em có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết", cô Tiffany nói.

Kết nối với phụ huynh

Cô Alpha Butil, Trưởng khối Mầm non trường Mầm non quốc tế ISSP phân tích, duy trì mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên sẽ mang tới sự tích cực trong quá trình tương tác giáo viên - học sinh. Mối liên hệ này càng chặt chẽ, các em càng có thêm nhiều khả năng khám phá, tìm hiểu và phát triển phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh học tại nhà.

Nhà trường khuyến khích phụ huynh học cùng con để kịp thời hỗ trợ trẻ khi có sự cố về thiết bị, giải đáp thắc mắc hay tìm sự trợ giúp từ giáo viên. Giữa giờ giải lao, nghỉ trưa, đội ngũ cố vấn trường luôn sẵn sàng túc trực để trò chuyện với học sinh và phụ huynh nhằm hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần. Khi thấu hiểu những khó khăn, trường sẽ đưa ra giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ trẻ tốt nhất trong quá trình tiếp thu kiến thức.

Đại diện trường ISSP nói thêm, với những phương pháp kể trên, trường luôn duy trì 94% sĩ số học sinh tham gia đầy đủ các giờ lên lớp cũng như ngoại khóa. Vào năm 2020, cũng nhờ sự duy trì nhịp học và kết nối chặt chẽ phụ huynh, hầu hết các em trở lại trường sau đợt tạm nghỉ vì Covid-19 hào hứng trong học tập, bắt kịp chương trình học, tương tác tốt với bạn bè, thầy cô.

Minh Tú (Ảnh: ISSP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022