Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học chương trình và sách giáo khoa mới; trong đó điểm thay đổi lớn là phần tích hợp các đơn môn trước đây thành 3 môn mới là Khoa học tự nhiên (gồm liên môn Vật lý, Hóa học và Sinh học), Lịch sử & Địa lý, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).
Việc này gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường và học sinh, đặc biệt là với liên môn Khoa học tự nhiên (xem chi tiết chương trình), vì môn học này không được thiết kế thành từng phân môn mà theo chủ đề, buộc giáo viên phải có chuyên môn của cả ba môn Lý, Hóa, Sinh; trong khi giáo viên phần lớn chưa được đào tạo kiến thức tích hợp, chưa có chứng chỉ để đứng lớp.
Trước tình hình đó, hầu hết trường phải phân công 2-3 giáo viên cùng dạy Khoa học tự nhiên, giáo viên ở chuyên môn nào dạy nội dung đó. Do khó sắp xếp thời khóa biểu để cân đối với lịch dạy của các thầy cô ở khối khác, các bài học của môn Khoa học tự nhiên được nhiều trường xé lẻ, dạy "nhảy cóc", sai tuần tự. Chẳng hạn, trong một tiết, giáo viên Hóa sẽ dạy nội dung Hóa ở cả bài 1 và bài 3 (trong khi học sinh chưa học nội dung tích hợp khác ở bài 2).
Điều này phá vỡ tính chất của môn học tích hợp, khiến học sinh không thể tiếp thu kiến thức theo logic bài học. Để khắc phục, một số trường đưa ra giải pháp chấp nhận phần khó về giáo viên, buộc thầy cô phải dạy nhiều tiết hơn trong một tuần và thay đổi thời khoá biểu liên tục để đảm bảo thứ tự bài học.
Sau hơn hai tháng, 6 giáo viên môn Lý, Hoá, Sinh trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) đã dần quen với khó khăn này. Hiệu trưởng Vũ Thị Hải Yến cho hay ban đầu trường THCS Ngô Gia Tự cũng phân công dạy các mạch nội dung theo hình thức song song từng môn, giống như nhiều trường khác với thời lượng hai tiết Lý, một Hoá và một Sinh. Tuy nhiên, nhận thấy điều này ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, cô Yến quyết định cùng ban giám hiệu, thầy cô phụ trách chuyên môn nghiên cứu lại toàn bộ chương trình, sách giáo khoa và quyết tâm phải dạy bằng được theo logic chương trình.
"Quyết định này đem đến hàng loạt khó khăn, từ việc giáo viên có tuần phải dạy nhiều, tuần dạy ít, thời khoá biểu phải sắp xếp lại liên tục theo tháng, thậm chí theo tuần. Thế nhưng, chúng tôi quyết phải tháo gỡ dần chứ không để chương trình mới lại làm theo cách cũ", cô Yến nói.
Ban giám hiệu trường THCS Ngô Gia Tự đưa ra hai phương án. Một là tuần nào giáo viên bị tăng tiết ở lớp 6 sẽ được rút tiết ở lớp 7-8-9. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến lớp 7-8-9 cũng rơi vào tình trạng lúc không học gì, lúc lại phải học quá nhiều một môn. Vì vậy, cả trường thống nhất theo phương án thứ hai là giữ nguyên số tiết yêu cầu của tất cả khối lớp, chấp nhận phần khó về giáo viên để học sinh không bị xáo trộn.
Với phương án này, cô Yến phải giải thích cho giáo viên rằng dù không dạy đều đặn mỗi tuần 19 tiết mà có tuần lên tới 22, lại có tuần chỉ 14, tổng số tiết một năm chia cho mỗi tuần vẫn đủ theo quy định, không ảnh hưởng đến thành tích hay lương. Giáo viên có lúc bận nhưng cũng có thời điểm nhàn rỗi. Đặc biệt, trường sẽ ưu tiên giáo viên Lý, Hoá, Sinh không phải nhận thêm các công việc kiêm nhiệm, như công tác chủ nhiệm, để đảm bảo thời gian, sức khoẻ.
"Giáo viên vất vả hơn, ban giám hiệu cũng đau đầu hơn trong việc rà soát, bố trí thời khoá biểu. Nhưng đổi lại, học sinh được học tuần tự các chủ đề đúng theo chương trình. Các em không phải nghĩ nay học Lý, Hoá hay Sinh mà chỉ cần nhớ nay học bài tiếp theo của môn Khoa học tự nhiên", cô Yến chia sẻ.
Học sinh trường THCS Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) đi học trở lại hôm 20/10. Ảnh: Quỳnh Trần
Tại Thái Bình, các trường học cũng được hướng dẫn tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên theo đúng logic tuyến tính của chương trình. Bà Trần Thị Bích Vân, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay ngoài ban hành hướng dẫn, Sở còn có đội ngũ cốt cán nghiên cứu chương trình, phân công 3 tổ tư vấn chuyên môn về các huyện để tư vấn các trường trong việc dạy các môn tích hợp, liên môn.
Theo bà Vân, về nguyên tắc, các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng Sở cũng đưa ra tinh thần chung. Chẳng hạn với Khoa học tự nhiên, các trường phải dạy theo logic tuyến tính của chương trình, dạy xong bài học, chủ đề này mới đến chủ đề khác.
Điều này phù hợp với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong một buổi trao đổi với các trường THCS tại Hà Nội vào đầu tháng 10, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường tổ chức dạy học theo đúng tinh thần của môn học. Như với môn Khoa học tự nhiên, trường hợp quá khó khăn mới dạy song song các chủ đề, nhưng phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm.
Bà Vân chia sẻ như ở Thái Bình, khi dạy theo chủ đề môn Khoa học tự nhiên, tuỳ vào đội ngũ giáo viên hiện có, số tiết theo chủ đề, nhà trường sẽ phân công giáo viên cho phù hợp. "Khi sắp xếp thời khoá biểu cho giáo viên, có trường ứng dụng công nghệ thông tin để xếp theo từng tuần cho hợp lý. Có tuần cô Hoá dạy tất cả tiết Khoa học tự nhiên lớp 6, cô Sinh không dạy tiết nào khối này sẽ dạy khối lớp khác. Rối ở đâu, nhà trường cùng ngành sẽ gỡ ở đó", bà Vân nói.
Dù vậy, các giải pháp trên chỉ nhằm xoay xở trong bối cảnh chưa có giáo viên được đào tạo dạy tích hợp liên môn. Bà Vân cho rằng giải pháp lâu dài để giải quyết các vướng mắc là phải đào tạo giáo viên. Theo bà, những biên chế đang có phải được bồi dưỡng để dạy được liên môn. Cùng với đó, các trường Sư phạm phải sớm mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Những sinh viên đang học các ngành liên quan cần được học bổ sung tín chỉ để ra trường có thể dạy được ngay.
Đồng quan điểm, TS Trương Văn Minh, Phó khoa Sư phạm Khoa học tự nhiên, trường Đại học Đồng Nai cho rằngviệc triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên là biện pháp căn cơ. Trước đây, giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm Vật lý, Hóa học hay Sinh học được học chuyên sâu một ngành, kiến thức các môn Khoa học tự nhiên còn lại chỉ nằm ở phần đại cương. Nay họ được bổ sung các tín chỉ để dạy được ba môn.
Tuy nhiên, ông Minh nhìn nhận có một số khó khăn khi triển khai chương trình bồi dưỡng. Chẳng hạn, với giáo viên cao tuổi, việc học này sẽ vất vả hay việc một giáo viên phải đảm nhiệm cả ba môn sẽ khó tốt bằng việc chuyên sâu như trước đây.
Mục đích của việc dạy tích hợp nhằm giúp học sinh hiểu rộng, đầy đủ bản chất, sự vận động, biến đổi của một vật chất, hiện tượng. "Nếu không linh hoạt, đổi mới trong dạy học, kiểm tra, môn tích hợp lại trở thành các môn riêng rẽ", TS Minh nói.
Hiện nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở những môn tích hợp, liên môn. Tại TP HCM, từ đầu năm học, giáo viên các tổ chuyên môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa tham gia các khoá bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu, có thể đảm nhiệm song song việc dạy lớp 6 theo chương trình mới và lớp 7, 8, 9 dạy theo chương trình cũ.
Dương Tâm - Mạnh Tùng