Mới chỉ ở tuần 5 của năm học nhưng cô Tân, giáo viên phụ trách lớp 5 ở Phú Thọ, đã dạy đến bài của tuần 7 do trường điều chỉnh số tiết. Thay vì dạy 8 tiết Tiếng Việt một tuần, môn học này tăng lên thành 12 tiết.

"Việc tăng tiết nhằm đẩy nhanh chương trình học, đề phòng Covid-19 bùng phát, phải chuyển sang dạy trực tuyến thì các nội dung cốt lõi cũng đã hoàn thành", cô Tân giải thích.

Không chỉ Tiếng Việt, môn Toán hay Tiếng Anh cũng được tăng thêm một số tiết mỗi tuần. Các môn khác như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật được điều chỉnh giảm trong giai đoạn này và sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của học kỳ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh nội dung dạy học các môn theo hướng tinh giản, tích hợp nội dung trong sách giáo khoa, nhiều nội dung hướng dẫn học sinh tự học. Theo cô Tân, việc này không ảnh hưởng đến nội dung cốt lõi, ngược lại giúp đẩy nhanh tiến độ trong "thời gian vàng" học trực tiếp.

Tuy nhiên, với một số môn nhất định, sự thay đổi cũng gây ra những khó khăn. Như môn Tiếng Việt, cô Tân phải chỉnh sửa giáo án, nhấn mạnh nội dung trọng tâm, hướng dẫn nhanh để học sinh tự làm được những bài tập dễ và dành thời gian cho những bài khó hơn. Trong khi đó, số lượng bài giảng trong thời gian học trực tiếp tăng lên, học sinh sẽ phải làm nhiều bài tập hơn.

"Chúng tôi phải họp phụ huynh để nêu rõ thay đổi này và đề nghị phối hợp, hỗ trợ con. Tất cả đều đồng lòng và hiểu rằng có những nội dung nếu không dạy được trực tiếp thì khó hiệu quả khi chuyển sang dạy trực tuyến", cô Tân chia sẻ.

Khi dạy được phần lớn nội dung cốt lỗi, trường của cô Tân sẽ quay về thời khóa biểu bình thường để học sinh học đầy đủ nội dung còn lại, đồng thời ôn tập lại những phần đã học. Cách làm này giúp cô Tân và phụ huynh yên tâm hơn nếu tình hình dịch căng thẳng, cô trò phải chuyển sang dạy trực tuyến.

Nhiều trường khác ở tỉnh Phú Thọ cũng đẩy nhanh tiến độ năm học. Một số trường THPT tổ chức dạy theo thời khóa biểu chính khóa không chỉ buổi sáng mà còn bổ sung ba buổi chiều mỗi tuần.

hoc-sinh-6221-1633430119.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ojiEMevdatL8bZ51fb-NpA

Học sinh THPT Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) học theo thời khóa biểu chính khóa vào buổi chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần để đẩy nhanh chương trình năm học. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

Tại Hà Giang, hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Hoàng Su Phì cho biết nhà trường đang đẩy nhanh chương trình khi học trực tiếp. Không phải trường bán trú, học sinh của trường chỉ học các buổi sáng trong tuần và được nghỉ chiều. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9, theo chỉ đạo chung của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường dạy thêm hai buổi chiều cho mỗi khối.

Thầy hiệu trưởng thông tin, những môn được dạy thêm thường có nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trường dự định tăng tiết các môn này trong khoảng 1-2 tháng, sau đó chuyển sang học tăng cường môn ít tiết để cân bằng.

Việc tăng tiết khiến thầy cô phải đẩy nhanh soạn giáo án, đồng thời lên lớp nhiều hơn. Do không tổ chức ăn bán trú, học sinh của trường khi học xong 5 tiết buổi sáng, chỉ có rất ít thời gian để về nhà ăn cơm, sau đó quay trở lại, bắt đầu học buổi chiều lúc 13h15. Tuy nhiên, hiệu trưởng vẫn cho rằng việc tăng số tiết chưa gây quá nhiều áp lực, lại giúp các trường không bị động khi phải học trực tuyến.

"Trước mắt, chúng tôi vẫn đẩy nhanh chương trình, cùng khắc phục với học sinh. Sau đó nếu dịch bệnh vẫn ổn định, tốc độ dạy có thể chậm lại để cả thầy cô và học trò cùng được nghỉ ngơi", ông nói.

Từ khi cho học sinh đến trường vào đầu tháng 9, ngành giáo dục Sơn La cũng áp dụng hình thức đẩy nhanh chương trình tương tự Hà Giang. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Chiến cho biết các trường được yêu cầu tăng hai buổi học mỗi tuần, bố trí vào buổi chiều hoặc cuối tuần. Ở mỗi buổi, giáo viên sẽ dạy ba tiết, ưu tiên những môn có trong các kỳ thi cuối năm và tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh tăng buổi, chương trình cũng có sự điều chỉnh. Trường học sẽ ưu tiên nội dung kiến thức trọng tâm, những môn yêu cầu thực hành nhiều như Lý, Hóa. Với các tiết học hoặc nội dung tự đọc có hướng dẫn, các trường giảm thời lượng, thay bằng giảng dạy lý thuyết mới.

Sau một tháng triển khai, số tiết được dạy đẩy là khoảng 24, tương đương với khối lượng một tuần học. Ông Chiến cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo dự định "chạy" trước chương trình khoảng 6 tuần.

Một số địa phương đang dạy trực tiếp khác như Bắc Giang, Yên Bái không đẩy nhanh chương trình nhưng điều chỉnh các nội dung từng môn, bám sát hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại Bắc Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt. Ở mỗi môn học, thứ tự các bài không nhất thiết phải ttuân theo chương trình đề ra ban đầu hay như mọi năm mà có thể ưu tiên những bài ít hiệu quả nếu phải dạy online.

Năm học 2021-2022 đã bắt đầu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 nhưng mới chỉ khoảng 25 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh đến trường học trực tiếp. Các địa phương còn lại phải kết hợp trực tiếp với trực tuyến hoặc dạy học trực tuyến, qua truyền hình hoàn toàn do ảnh hưởng của Covid-19.

Trước thềm năm học, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu địa phương tận dụng thời gian dịch bệnh ổn định để dạy trực tiếp nội dung cốt lõi nhất cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hướng dẫn điều chỉnh chương trình tiểu học, THCS và THPT theo hướng tinh giản, tích hợp, giúp các trường có căn cứ điều chỉnh kế hoạch giáo dục để hoàn thành năm học 2021-2022.

Dương Tâm - Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022