Sau khi hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối tháng 3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ một số quan điểm, định hướng đối với lĩnh vực quản lý tiêu chuẩn đo lường, chất lượng. Theo ông, tiêu chuẩn không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật mà còn là công cụ định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm, thị trường.

Ông ví tiêu chuẩn như công cụ dẫn đường. Quốc gia muốn tới đâu phải dùng tiêu chuẩn để dẫn tới đó. Tiêu chuẩn là "đỉnh", là cái phải tiến tới, cần dựa vào tiêu chuẩn quốc tế để ban hành. Trong khi đó, quy chuẩn là "sàn", cần được xây dựng dựa trên thực tiễn Việt Nam.

LQ-084662-5497-1751970417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mmy6-xapDAOKERfZveGkfw

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia, ngày 28/3. Ảnh: Lưu Quý

Do đó, ông chỉ đạo chuyển đổi cách tiếp cận của công tác tiêu chuẩn hóa, từ nhà nước dẫn dắt sang cân bằng giữa nhà nước và thị trường. Phạm vi áp dụng cũng được mở rộng từ lĩnh vực công nghiệp sang toàn bộ nền kinh tế, chuyển từ số lượng sang chất lượng, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng định nghĩa đo lường là để phục vụ cho đánh giá, ra quyết định. Bởi vậy, ông yêu cầu xây dựng hệ sinh thái đo lường đáng tin cậy, dễ tiếp cận, từ đó phục vụ việc ra quyết định của người dân, doanh nghiệp, đến cơ quan quản lý nhà nước.

Trên cơ sở các định hướng đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ban hành tháng 6.

Theo ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia, "việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa dựa trên nguyên tắc hàng hóa có phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn hay không". Hai luật sửa đổi đánh dấu sự thay đổi toàn diện về tư duy và phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.

Một điểm mới quan trọng là chuyển từ phương thức quản lý hành chính sang quản lý dựa trên rủi ro. Luật phân loại hàng hóa theo mức độ rủi ro, với ba cấp độ cao, trung bình và thấp.

"Luật quy định rõ, hàng hóa rủi ro cao phải có bên thứ ba đánh giá. Với hàng hóa rủi ro trung bình, doanh nghiệp tự đánh giá và chịu trách nhiệm", ông nói. Việc này giúp phân biệt rõ ràng loại hàng hóa nào cần quản lý chặt, loại nào có thể linh hoạt, giảm chi phí và thủ tục cho doanh nghiệp.

HIEU9192-JPG-6531-1751970417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fzllb3msLArl-JYbJOUmvw

Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia Hà Minh Hiệp. Ảnh: Chí Hiếu

Theo ông Hiệp, lần đầu tiên Việt Nam quy định một đối tượng chỉ chịu sự điều chỉnh của một quy chuẩn, một sản phẩm chỉ do một bộ quản lý. Thay đổi này nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, mỗi bộ ngành chịu trách nhiệm một phần dẫn đến xung đột hoặc bỏ sót.

Đây cũng là lần đầu việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa rủi ro cao được luật hóa, trở thành yêu cầu bắt buộc. Luật cũng nâng cao trách nhiệm công bố thông tin sản phẩm, đặc biệt đối với hàng hóa được giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Các nền tảng sẽ phải đảm bảo sản phẩm được đăng kèm thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, giúp người tiêu dùng có căn cứ đánh giá. Cùng với đó là sự ra đời của cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn.

Điểm mới tiếp theo là việc nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức xã hội. Luật cho phép các tổ chức này tham gia lấy mẫu, thử nghiệm độc lập. Trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, phản biện xã hội cũng trở thành một phần bắt buộc trong hồ sơ, thay vì chỉ có các cơ quan chuyên môn xây dựng khép kín như trước.

Theo đại diện Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia, việc ban hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi sẽ tạo ra hệ sinh thái hạ tầng chất lượng quốc gia hiện đại, minh bạch, dựa trên công nghệ số.

Trọng Đạt

  • 5 luật mới tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, chính sách khoa học công nghệ
  • 'Đại học Bách Khoa Hà Nội phải là nơi sản sinh ra công nghệ'
  • 'Làm tốt đổi mới sáng tạo có thể làm chủ thế giới'
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022