Trong công văn ngày 28/3, Bộ còn yêu cầu các Sở xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý phụ huynh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng những lợi ích khi góp vốn đầu tư, cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia.

"Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình ở một số địa phương, có hiện tượng tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học, nguy cơ rủi ro cao", văn bản của Bộ nêu.

Động thái của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra sau khi gần 1.400 học sinh trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tại TP HCM phải nghỉ học, do hầu hết giáo viên không đi dạy vì bị nợ lương.

Ngày 20/3, số giáo viên nghỉ việc lên đến 85 người. Nhiều phụ huynh nói mắc kẹt vì đã đóng học phí theo gói hàng tỷ đồng. Hình thức là trường vay không lãi suất, không tài sản thế chấp, thông qua các hợp đồng vay vốn, đầu tư. Bù lại, con em họ được học miễn phí, trường cam kết trả tiền sau khi học sinh tốt nghiệp hoặc chuyển trường.

Ngoài ra, học sinh rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi việc chuyển trường trong thời điểm sắp kết thúc năm học là không dễ dàng.

Hôm nay, hơn 100 phụ huynh trường Quốc tế Mỹ Việt Nam gửi đơn kiến nghị tập thể đến trường và Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM với mong muốn cho con học online, chấp nhận đóng thêm 10-15 triệu mỗi tháng, để hoàn thành năm học.

truong-quoc-te-jpeg-4596-1711617988.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SJe3j7U9AzxxwJwwWOzkdg

Phụ huynh đến AISVN đòi tiền, chiều 21/9/2023. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Pháp luật Việt Nam hiện nay không có khái niệm "trường quốc tế" mà chỉ có trường công lập, dân lập và tư thục. Theo Luật sư Trương Anh Tú, Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, các "trường quốc tế" ở Việt Nam thực chất là loại hình trường tư thục, gắn danh xưng "trường quốc tế" dựa trên cơ cấu tổ chức, chương trình giảng dạy, do các trường tự quảng bá và tự chịu trách nhiệm.

Cơ quan quản lý trực tiếp vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng Giáo dục, các ban ngành khác có liên quan đến giáo dục. Riêng các trường do Tổng Lãnh sự các nước mở ở Việt Nam là chịu sự điều chỉnh riêng, phù hợp với cơ chế và quy định về ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.

Theo ISC Research, tổ chức cung cấp dữ liệu về trường học trên thế giới, năm 2022, Việt Nam có hơn 120 trường quốc tế, từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Đây là những trường tư thục giảng dạy toàn bộ hoặc một phần bằng tiếng Anh, dành cho học sinh độ tuổi 3-18.

Nếu tính từ năm 2019, số trường quốc tế của Việt Nam tăng 42%, số học sinh tăng 30%. Tổng doanh thu của các trường tăng 58%. Trên website, nhiều trường cho biết thu học phí 500-900 triệu đồng một năm với chương trình phổ thông quốc tế.

Bên cạnh yêu cầu rà soát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị khi thẩm định hồ sơ thành lập, cho phép hoạt động, các Sở phải yêu cầu các trường thực hiện đúng trình tự thủ tục, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình, pháp nhân.

Dương Tâm

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022