Một bản kiểm điểm với lời lẽ "dẻo hơn kẹo kéo" mới đây được cư dân mạng chia sẻ thu hút sự chú ý. Được biết, vì làm nhầm bài tập nên em học sinh này đã có những lời giải thích thống thiết, thấu tình đạt lý khiến giáo viên có lẽ cũng không giận lâu được.

Em viết: "Con xin lỗi cô vì đã không làm bài tập đầy đủ. Vì con chép nhầm bài 80, 81 thành bài 83, 85 vào vở dặn dò. Con đúng là có mắt như mù. Cô viết lù lù trên bảng. Chỉ có từ bảng chép vào vở thế mà vẫn chép sai. Mà con lại là học sinh xuất sắc nữa. Con nghĩ bố mẹ và cô rất buồn và thất vọng về con. Bố mẹ con rất buồn đến nỗi ăn không ngon. Lúc đi học về, con còn thấy mặt mẹ rất buồn. Con lên phòng, ngồi kiểm điểm lại bản thân mình và tự hỏi: 'Tại sao mình lại chép dặn dò sai, trong khi lù lù trên bảng?'. Con hứa từ bây giờ sẽ bỏ tính vội vàng để đi về nhà (?) để không viết sai vở dặn dò nữa ạ".

photo-1-17115966753821609566240.jpg

Một bản kiểm điểm với lời lẽ "dẻo hơn kẹo kéo"

Có thể thấy, chép bài sai, chép nhầm đề là một lỗi mà học trò ai cũng từng mắc phải. Tuy nhiên, cách nhận lỗi chân thành của em học sinh quả là khiến người ta mủi lòng. Nhiều người nhận xét đứa trẻ là người sống rất có trách nhiệm, biết nhận sai, là một học sinh ngoan, đứa con có hiếu. Là cha mẹ, thầy cô, hẳn ai cũng mong có những đứa con, học sinh hiểu chuyện thế này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cũng nhận thấy em học sinh này đang có một áp lực vô hình đè nặng. Hành vi của con trẻ mà thấy rõ hành động dán nhãn của thầy cô và cha mẹ. Chỉ vì một lần con chép nhầm bài mà "Bố mẹ con rất buồn đến nỗi ăn không ngon. Lúc đi học về, con còn thấy mặt mẹ rất buồn" thì chứng tỏ đứa trẻ phải gánh trên vai gánh nặng của sự hoàn hảo. Những đứa trẻ giáo dục theo cách này bị áp lực sợ sai từ nhỏ, lớn sẽ thiệt thòi. Cha mẹ và thầy cô cần xem xét lại cách giáo dục con mình.

Một học sinh xuất sắc vẫn có thể mắc lỗi sai, bạn nhỏ này lại quá hà khắc với chính bản thân. Em không được học cho chính mình, mà là học để làm vừa lòng cha mẹ, thầy cô. Đứa trẻ như vậy lớn lên sẽ luôn phải nhìn thái độ của người khác mà sống, luôn tìm cách làm hài lòng người xung quanh đến mức quên đi bản thân. Khi mắc lỗi sai, bạn ấy có tâm lý ngược đãi chính mình.

Nhiều khi trẻ con bị kẹt giữa cô và bố mẹ. Giáo viên gửi tin nhắn nêu tên trên nhóm lớp về các lỗi vi phạm nhỏ của các con ở trường để hy vọng bố mẹ về xử lý con ví như đi dép không đúng quy định, xuống sân chào cờ muộn, ngủ gật trong giờ học… khiến cho trẻ bé thì sợ, trẻ lớn thì không phục cách giáo dục như vậy dẫn đến nổi loạn. Giáo viên cũng nên có các buổi học trao đổi phương pháp ứng xử trước các tình huống như thế này để không gây tổn thương không cần thiết với các con.

Căng thẳng, áp lực là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại cho trẻ. Vậy nên, thay vì tạo áp lực hoặc lo lắng thái quá, phụ huynh nên khuyến khích, động viên, không để trẻ luẩn quẩn với các điểm số.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi, họ không tin một học sinh lớp 5 có thể viết ra những lời quá "người lớn" và chững chạc đến như vậy. Trước thắc mắc này, một người trả lời: "Em vừa hỏi kỹ bạn đó rồi, con rất nhiều lần không làm bài tập đầy đủ với nhiều lý do rất phong phú. Lần này giáo viên yêu cầu viết bản kiểm điểm (có xác nhận của phụ huynh) để gia đình có thể nắm thêm tình hình. Chuyện nó chắc là thế, em rất ủng hộ cách giáo dục trên".

Hiện bản kiểm điểm này vẫn gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022