Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đề nghị mức tăng học phí giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông cần phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp thực tế của người dân.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trực thuộc, Bộ đề nghị các đơn vị căn cứ mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86 tương ứng với từng năm học, từng loại hình đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định cụ thể mức thu học phí đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo từng loại hình đơn vị.
Đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác, cơ sở giáo dục chủ động tính toán và quy định mức thu học phí, có sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục đào tạo, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Đối với học phí đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên, mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định 86.
Bộ GD&ĐT tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp; thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên nghèo; học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách.
Bộ này cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng và áp dụng lộ trình tăng học phí hàng năm phải theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 86, trong đó lưu ý thời điểm thực hiện tăng học phí không trùng với thời điểm tăng giá dịch vụ y tế tại địa phương để hạn chế tối đa tác động của việc tăng học phí đến chỉ số giá tiêu dùng.
Hàng năm, các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời việc dạy thêm, học thêm và thu chi trái quy định trong trường học; đồng thời có hình thức xử phạt nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái quy định hiện hành.
Phương Linh