Năm học 2016-2017 sẽ có nhiều đổi mới
Năm nay, cả nước có khoảng 22,5 triệu học sinh, sinh viên, trong đó 4,6 triệu trẻ mầm non; gần 7,8 triệu học sinh tiểu học; 5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,4 triệu học sinh trung học phổ thông; 315.000 học sinh trung học chuyên nghiệp; 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.
Sau hai năm triển khai, Thông tư 30 có nhiều ưu điểm song cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Bộ Giáo dục đã công bố dự thảo sửa đổi, đánh giá học sinh theo mức lượng hóa A, B, C, bỏ bớt sổ sách cho giáo viên và quy định cụ thể việc khen thưởng. Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi trong giáo viên, chuyên gia.
Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông sẽ chú trọng hơn dạy đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Giáo dục đại học chú trọng vào phương pháp thực học, các trường phải bám sát thị trường lao động; Bộ Giáo dục sẽ đề ra tiêu chuẩn kiểm định dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời củng cố một trung tâm dự báo nhu cầu lao động.
Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới. Kỳ thi 2016 được đánh giá là giảm tải cho các trường, đỡ vất vả đi lại cho thí sinh lẫn phụ huynh. Song tỷ lệ ảo quá cao khiến 163 trường đại học phải xét tuyển bổ sung với số lượng lớn. Kỳ thi 2017 hướng đến đánh giá năng lực, bài thi theo hướng tích hợp thành các bài trắc nghiệm.
“9 nhiệm vụ – 5 giải pháp” cho năm học mới
Năm học 2016 – 2017, Bộ Giáo dục đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy – học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục;
Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD – ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD – ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước”.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, ngành GD – ĐT đã đề ra 5 giải pháp cơ bản của năm học 2016-2017 bao gồm: Cải cách thể chế về GD – ĐT; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD – ĐT; Quan tâm đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong 9 nhiệm vụ thì ngành giáo dục chú trọng nhất việc nâng cao chất lượng nhà giáo và quản lý giáo dục. Làm tốt được nhiệm vụ này rất khó nhưng không thể không làm bởi đây là gốc rễ của ngành. Giải pháp được kỳ vọng mang lại sự đột phá là cải cách thủ tục hành chính, đổi mới văn bản quy chế từ mầm non đến đại học để giải phóng nguồn lực và cởi những nút thắt cho ngành.
“Hôm nay nếu chúng ta không làm thì sẽ không bao giờ làm được. Ngành giáo dục xin cam kết cùng với các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra để năm học mới nền giáo dục có những cải thiện rõ nét, giảm bức xúc trong dư luận lâu nay”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bích Việt