Người cha hết sức sững sờ với biểu hiện của cô con gái vì bình thường anh vẫn thường tắm cho con. Sau đó, anh mới biết rằng trong cuộc trò chuyện nhỏ về "giáo dục giới tính", người mẹ đã nói với con gái rằng: "Con là con gái, vì vậy con không được để những người đàn ông khác chạm vào cơ thể của mình".
Sau khi đoạn video trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội, nó đã dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi. Có người cho rằng cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng dạy trẻ giáo dục giới tính khi mới 2 tuổi là hơi sớm. Vậy, cha mẹ nên dạy giáo dục giới tính cho con cái ở độ tuổi nào mới phù hợp?
Cha mẹ nên dạy giáo dục giới tính cho con từ độ tuổi nào?
Trên thực tế, không có tiêu chuẩn về độ tuổi chính xác để giáo dục giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý - y tế đều khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ về khác biệt giới tính trong độ tuổi từ 2 - 3 tuổi.
Lý do là theo quy luật phát triển tâm lý của trẻ, trẻ sẽ dần hình thành nhận thức về giới tính khi 2 - 3 tuổi và sẽ sử dụng chính xác danh xưng “bé trai” hoặc “bé gái” khi 3 tuổi. Lúc này, cha mẹ nên chỉ cho con cái về sự khác biệt giới tính cơ bản.
Tuy vậy, còn rất nhiều bậc phụ huynh vẫn còn e ngại việc dạy giáo dục giới tính cho trẻ. Theo một cuộc khảo sát đặc biệt về chủ đề “ Giáo dục giới tính cho học sinh” do báo “Tin tức Giáo dục Trung Quốc” thực hiện, trong số gần 6.000 phụ huynh tham gia khảo sát có 41% cho biết họ chưa từng giáo dục giới tính cho con cái của mình.
Theo thống kê của Quỹ bảo vệ trẻ em gái trực thuộc Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Trẻ em Trung Quốc: Năm 2021, Trung Quốc có 223 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phanh phui và có hơn 569 trẻ em đã trở thành nạn nhân, trong đó trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi.
Vì vậy, cha mẹ cũng không nên chủ quan và cho rằng không cần thiết dạy giáo dục giới tính cho trẻ quá sớm. Ngay khi trẻ đã có thể nhận biết được sự khác biệt về giới tính, cha mẹ có thể bắt đầu dạy những kiến thức giáo dục giới tính phù hợp cho trẻ.
Ảnh minh hoạ: Ngay khi trẻ đã có thể nhận biết được sự khác biệt về giới tính, cha mẹ có thể bắt đầu dạy những kiến thức giáo dục giới tính phù hợp cho trẻ.
Giáo dục giới tính cho trẻ - cha mẹ cần lưu ý gì?
Khi dạy giáo dục giới tính cho trẻ, cha mẹ cần chỉ ra những thông tin đầy đủ, cụ thể và phù hợp với từng lứa tuổi để trẻ có ý thức rõ ràng về cách tự bảo vệ mình. Cha mẹ có thể chỉ ra các tình huống cụ thể để trẻ dễ hình dung hơn. Ví dụ như 4 tình huống dưới đây:
- Khi có người lạ nhìn vào bộ phận riêng tư của con hoặc bảo con nhìn vào bộ phận riêng tư của họ.
- Khi có người lạ nói chuyện với con về các bộ phận riêng tư.
- Khi có người lạ muốn chạm vào bộ phận riêng tư của con hoặc yêu cầu con chạm vào bộ phận riêng tư của họ.
- Khi có người lạ rủ con đi một mình đến một nơi khác với họ.
Cha mẹ cần dạy con rằng khi gặp 4 trường hợp này, con cần trực tiếp từ chối và chạy đi tìm người giúp càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, cũng có trường hợp trẻ bị người quen xâm hại nhưng không nói với cha mẹ do kẻ xâm hại yêu cầu giữ bí mật. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Để phòng ngừa vấn đề này, trước tiên cha mẹ cần dạy trẻ phân biệt bí mật thật và bí mật giả. Cha mẹ cần chỉ cho con rằng nếu việc “giữ bí mật” khiến con cảm thấy lo lắng, khó chịu, sợ hãi hoặc buồn bã thì đó hoàn toàn không phải là "bí mật", lúc này con nên nói với những người mà con tin tưởng ví dụ như cha mẹ, giáo viên,...
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giúp con lập danh sách những người đáng tin cậy (ít nhất hai người) để trẻ có thể chia sẻ mọi bí mật với những người tin tưởng khi cần thiết.
Việc giáo dục giới tính cho trẻ cũng không nên quá cực đoan hoặc phiến diện. Trước khi trẻ có nhận thức về giới tính, việc bố tắm cho con gái hoặc mẹ tắm cho con trai là dấu hiệu của sự hòa thuận trong gia đình và giúp mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái khăng khít hơn.
Khi con cái lớn hơn và dần có ý thức về giới tính hoặc có thể tự tắm rửa một cách độc lập, cha mẹ không nên ép buộc con tắm chung nếu con không muốn. Lúc này, cha mẹ cần giảm dần sự thân mật với con cái. Chẳng hạn như không tắm cho trẻ, hạn chế hôn lên miệng trẻ, không thay quần áo trước mặt trẻ.
Ảnh minh hoạ
Việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các nhóm tuổi khác nhau có những mục tiêu giáo dục giới tính khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
Ở độ tuổi này, cha mẹ cần lựa chọn cách gọi tên phù hợp cho các bộ phận trên cơ thể của con. Đồng thời, cha mẹ có thể dạy con rằng con nên mặc quần áo hoặc che kín những bộ phận nhạy cảm và những ai có thể thay quần áo cho con.
2. Trước 5 tuổi
Cha mẹ cho con tìm hiểu tên và chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Cha mẹ có thể chỉ cho con sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ, từ đó giúp con hiểu rằng cơ thể của nam, nữ không hoàn toàn giống nhau.
Ở độ tuổi này cha mẹ cũng có thể dạy cho con cách bảo vệ không gian riêng tư của bản thân, chẳng hạn như đóng cửa khi tắm và gõ cửa trước khi vào phòng của người khác.
Giới thiệu cho trẻ các khái niệm cơ bản về mang thai và sinh con, sử dụng động vật làm ví dụ nhưng không đi sâu vào chi tiết. Chẳng hạn như con sinh ra từ bụng mẹ hoặc cho trẻ thấy các loài động vật mang bầu hoặc sinh con thế nào.
3. Từ 5 - 8 tuổi
Giới thiệu chung một số thuật ngữ về cơ quan sinh sản và giúp trẻ hiểu được chức năng, cấu tạo của các bộ phận. Giới thiệu về tuổi vị thành niên cho trẻ nhưng cần lưu ý khi giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi này tuyệt đối không nên sử dụng các hình ảnh nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi.
Dạy trẻ cách từ chối sự đụng chạm hoặc tiếp cận của người khác đối với các bộ phận riêng tư. Cho trẻ tìm hiểu về những cảm xúc khác nhau như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình.
4. Từ 9 - 13 tuổi
Cha mẹ có thể chắt lọc các kiến thức về giới tính chuyên sâu hơn để dạy trẻ.
5. Từ 14 - 18 tuổi
Ở giai đoạn này, về cơ bản trẻ đã nhận thức được các vấn đề về giới tính, ý thức về mặt đạo đức và cách kiểm soát các xung động của bản thân.
6. Sau 18 tuổi
Khi trẻ bước vào độ tuổi trưởng thành, cha mẹ có thể dạy thêm cho con về các kiến thức an toàn sinh sản để có thể tự bảo vệ bản thân.
Nguồn: Baijiahao, Sohu