Khác với nhiều kỳ thi mang tính học thuật khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia không giới hạn số lượng nguyện vọng nhằm đảm bảo tối đa cơ hội trúng tuyển Đại học cho các sĩ tử. Thí sinh sẽ xét tuyển theo kết quả thi, theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Với mong muốn chắc suất vào chuyên ngành mơ ước, không ít sĩ tử đầu tư hàng chục nguyện vọng để giành "tấm vé" vào Đại học.

Một sĩ tử 2004 tên Nguyễn Chí Hưng (cựu học sinh trường Dương Văn Thì, TP.HCM) cũng không ngoại lệ. Thậm chí nam sinh này còn là cái tên gây sốt trên MXH khi đăng ký hẳn... 122 nguyện vọng để xét tuyển Đại học. Kể cả khi chưa rõ thực hư câu chuyện, nhưng số lượng nguyện vọng khủng của Hưng đã khiến cậu trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người, thậm chí đem về không ít rắc rối cho nam sinh.

photo-6-1663936307947391069723.png

Không lường trước được hành động đăng ký 122 nguyện vọng bị "lên án" nhiều đến vậy

Trong mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hưng đạt 24 điểm khối C, với điểm các môn thành phần lần lượt là Văn 7,25, Sử 9,5 và Địa 7,25. Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, Hưng trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 là ngành Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Hưng tâm sự: "Hiện tại, mình cảm thấy rất vui vì trúng tuyển vào chuyên ngành bản thân thích nhất. Song, cảm giác buồn và nuối tiếc là có. Bởi số tiền để đăng ký các nguyện vọng còn lại là không nhỏ".

Trong đợt đăng ký nguyện vọng đầu tiên, Hưng đã đăng ký 122 nguyện vọng. Thời điểm đó, dù số tiền phải thanh toán lên đến gần 2 triệu đồng nhưng cậu cũng không dám ngỏ lời xin bố mẹ quá nhiều tiền. Bởi kinh tế gia đình Hưng không mấy khá giả, bố làm nghề cắt tóc.

photo-5-16639363058661284763893.jpeg

Chân dung Nguyễn Chí Hưng, nam sinh đăng ký hẳn... 122 nguyện vọng xét tuyển Đại học trong 1 tháng

Đến thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo mở lại hệ thống đăng ký xét tuyển để thí sinh tự đăng ký, chỉnh sửa lại thông tin, Hưng đã cân nhắc kỹ lưỡng và điều chỉnh từ 122 nguyện vọng xuống còn 47 nguyện vọng. Trong đó, có 7 nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi THPT.

Việc đăng ký một số lượng lớn nguyện vọng đã phản ánh tâm trạng lo lắng của nam sinh 18 tuổi khi đứng trước ngưỡng cửa quan trọng là kỳ thi đại học. Hưng cho biết, bình thường cậu có thói quen ở một mình, không thường xuyên trò chuyện cùng gia đình. Đó cũng là một trong những lý do khiến Hưng đăng ký đồng thời 122 nguyện vọng mà không nhận được nhiều tư vấn từ những người xung quanh.

"Mình hoàn tất việc đăng ký 122 nguyện vọng trong khoảng 1 tháng. Ước mơ của mình là trở thành một giáo viên, nên cứ thấy trường nào có đào tạo về ngành Sư phạm là liền đăng ký. Khi nhìn lại con số nguyện vọng đã lên đến 122, bản thân cũng không ngờ đó lại là số lượng nguyện vọng nhiều nhất trong mùa xét tuyển Đại học năm nay. Và mình cũng không lường trước được, hành động này bị 'lên án' nhiều đến vậy", Hưng nói.

photo-4-16639363035601602500382.jpeg

Hưng cho biết thêm, sau khi câu chuyện đăng ký 122 nguyện vọng được chia sẻ rộng rãi trên MXH đã đem đến cho cậu khá nhiều rắc rối. Hưng đã đọc được nhiều bài viết và bình luận chỉ trích hành động của bản thân. Nhìn quãng thời gian đã qua, Hưng từng thấy rất buồn khi đọc những lời nói tiêu cực từ phía cộng đồng mạng.

"Có người nghĩ rằng mình có vấn đề về 'đầu óc', không kìm chế được cảm xúc hay không được thông minh, sáng suốt. Có người lại trách gia đình hay thầy cô không định hướng rõ ràng cho bản thân. Có người khác thì nói rằng rằng mình cố tình đăng ký 122 nguyện vọng để nổi tiếng.

Lúc đầu đọc những bình luận này, mình thấy buồn. Nhưng sau một thời gian thì cảm xúc dần 'chai lì' hơn. Mình chấp nhận bản thân không thể kiểm soát được những luồng thông tin tiêu cực, thậm chí là viết sai về con người mình. Đến hiện tại, khi đọc bình luận của mọi người, đôi lúc mình vui vì thấy nhiều người có cách nghĩ về câu chuyện của bản thân thú vị", cậu bạn chia sẻ.

photo-3-1663936300297281059292.jpeg

Quyết định theo đuổi một chuyên ngành đặc biệt

Trong tổng số 122 nguyện vọng đăng ký xét tuyển ban đầu, Hưng đậu nguyện vọng 1 là ngành Giáo dục đặc biệt (trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), cũng là nguyện vọng mà nam sinh này yêu thích nhất. Đúng như tên gọi, ngành Giáo dục đặc biệt là chương trình đào tạo cử nhân sư phạm giảng dạy cho các học sinh có nhu cầu đặc biệt như trẻ chậm phát triển về tinh thần/ thể chất/ tình cảm hoặc bị khiếm thính, khiếm thị… dẫn đến gặp trở ngại trong giao tiếp, sinh hoạt và học tập.

Đối với nhiều nguời, có lẽ chuyên ngành Giáo dục đặc biệt không phải lựa chọn đầu tiên khi họ cân nhắc lựa chọn học ngành Sư phạm. Quyết định theo đuổi một chuyên ngành đặc biệt, với Hưng, có niềm đam mê với nghề giáo thôi là chưa đủ.

"Mình đã từng đặt nguyện vọng vào các ngành Sư phạm thông thường. Thế nhưng, sau đó lại tìm thấy niềm đam mê lớn hơn ở ngành Giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, khi theo đuổi chuyên ngành này, mình có thể giúp những đứa trẻ khuyết tật khám phá điểm mạnh đó từ đó hỗ trợ chúng nhanh chóng hoà nhập với đời sống cộng đồng, trở thành người có ích và sống hạnh phúc. Mình muốn các bé vươn lên, không bị tụt lại phía sau so với những đứa trẻ khác.

Khi đăng ký chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, mình biết ngành này có thể vất vả hơn. Vì đối tượng học sinh là những đứa trẻ khác biệt hơn so với học sinh bình thường. Nhưng mình tin bản thân sẽ tìm thấy niềm vui và giá trị riêng khi theo đuổi lĩnh vực yêu thích", Hưng tâm sự.

photo-2-1663936297304498096250.jpegphoto-1-16639362944431286655598.jpeg

Hưng chia sẻ, cậu xác định để trở thành một người giáo viên giỏi không phải là câu chuyện dễ dàng. Cậu đã tìm hiểu những lời tư vấn về nghề nhà giáo từ các thầy cô đi trước, đồng thời có những băn khoăn riêng về chuyên ngành mình đã lựa chọn.

"Nhiều 'bậc tiền bối' nói rằng nghề nhà giáo vất vả, với vô số thực trạng trạng như tiền lương thấp, thất nghiệp nhiều, khối lượng công việc lớn... Đã có nhiều thầy cô yêu nghề nhưng không thể tiếp tục với công việc vì gặp nhiều áp lực".

Có lẽ cũng bởi tâm trạng lo lắng này nên trong thời gian chờ đợi ngày nhập học chính thức, Hưng đã chủ động học hỏi thêm nhiều kiến thức có lợi cho công việc và học tập sau này. Hưng cho biết, cậu đang học thêm về ngôn ngữ ký hiệu và bảng chữ cái nổi, vốn được xem là phương thức giao tiếp đặc biệt của người khiếm thính và người khiếm thị. Bên cạnh đó, Hưng dự định cải thiện trình độ tiếng Anh để sau khi tốt nghiệp có thể mở rộng hơn về cơ hội việc làm cho bản thân.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022