Năm 2007, bức hình cô bé 8 tuổi, đu dây cáp trên một con sông chảy xiết được lan truyền khắp mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Không chỉ gây thương cảm với hoàn cảnh của đứa trẻ, bức ảnh này còn vẽ ra bức tranh chân thực về thực trạng cuộc sống nghèo khó của những người dân vùng sâu xa ở Trung Quốc.

photo-4-1663972572576570150916.jpeg

Hình ảnh cô bé 8 tuổi có vóc dáng nhỏ nhắn, một mình đu dây cáp vượt sông để đến trường có thể khiến bất kỳ người lớn nào rùng mình vì lo ngại cho sự an toàn của cô bé

Cô bé trong khung hình tên là Yu Yanqia, là người Lật Túc, một dân tộc thiểu số ở Nộ Giang thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thời điểm bấy giờ, tại nơi Yu Yanqia sinh sống, hệ thống cáp và ròng rọc được xem phương tiện chính để người dân tiếp cận với thế giới bên ngoài. Hàng ngày, cả người lớn cũng như trẻ nhỏ phải đu mình trên sông Nộ Giang - một con sông rộng và dài nhất châu Á, với những dòng nước cuồn cuộn chảy xiết bất chấp biết bao nguy cơ tiềm ẩn có thể phải đánh đổi cả mạng sống.

Bức ảnh của Yu Yanqia được một nữ nhà báo chụp và đăng tải. Trong bất kỳ khung hình nào, người ta đều thấy Yu Yanqia nở nụ cười tươi, bởi việc vượt sông để đi học đã trở thành một thói quen hàng ngày của Yu Yanqia cũng như những đứa trẻ nơi đây từ khi còn nhỏ.

Ngay sau khi bức ảnh về "cô bé đu cáp treo" gây chú ý rộng rãi trên khắp Trung Quốc, một công ty truyền thông đã khởi xướng chương trình gây quỹ từ thiện nhằm xây dựng một cây cầu ngay gần trường học của Yu Yanqia. Tháng 3/2008, cây cầu được hoàn thành và Yu Yanqia trở thành người địa phương đầu tiên đi qua cây cầu mới.

photo-3-1663972567262126279186.png

Yu Yanqia (hồi nhỏ) đang đứng gần hệ thống dây cáp - phương tiện chính để người dân Lật Túc tiếp cận với thế giới bên ngoài

Câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của Yu Yanqia nhận được nhiều yêu mến từ cư dân mạng. Nhờ đó, cô có cơ hội được mời đến thăm các thành phố lớn của Trung Quốc như Côn Minh, Bắc Kinh, từ đó mở rộng thế giới quan và được tiếp thêm niềm hy vọng để phấn đấu có cuộc sống mới. Không những vậy, toàn bộ thành viên trong gia đình Yu Yanqia đã được hỗ trợ chuyển đến sống tại ngôi nhà mới ven sông khang trang và vơi bớt nguy hiểm hơn. Yu Yanqia cũng nhận được nhiều trợ cấp về học phí trong những năm tháng đi học.

"Sự ủng hộ của mọi người là tia sáng hy vọng cho tôi trong những quãng thời gian khó khăn của cuộc đời. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm chăm chỉ học tập", Yu Yanqia chia sẻ.

Năm 2018, Yu Yanqia thi đỗ Đại học Y khoa Côn Minh (tỉnh Vân Nam), trở thành sinh viên Đại học đầu tiên của người dân Lật Túc. Sau khi tốt nghiệp, cô đã từ chối nhiều đề nghị từ các bệnh viện ở thành phố lớn, để trở về quê nhà làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Nộ Giang, với mong muốn giúp đỡ đồng hương.

"Có rất nhiều người đã giúp đỡ tôi trong suốt chặng đường dài đã đi qua. Tôi sẽ chẳng là ai, hoặc đi đến đâu nếu không có họ", Yu Yanqia nói.

photo-2-16639725649523957779.jpeg

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Yu Yanqia từ chối cơ hội làm việc tại các thành phố lớn. Cô mong muốn trở về quê nhà để giúp đỡ người dân nơi đây.

Trên thực tế, Yu Yanqia có thể tự hào về bản thân khi hình ảnh đu dây cáp năm xưa của cô đã thực sự tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng mạng. Nhờ bức ảnh của Yu mà những cây cầu khác được "mọc" lên trên khắp quê nhà của cô. Năm 2011, sau khi chính quyền địa phương khởi động dự án Thay Cáp Thành Cầu, hơn 40 dây cáp thép đã được tiến hành dỡ bỏ và sau đó được thay thế bằng 36 cây cầu bắc qua sông Nộ Giang và 2 sông lớn khác ở tỉnh Vân Nam.

Dọc theo bờ sông Nộ Giang, các chính sách phát triển du lịch đã được chính quyền tiến hành với mục đích tạo công việc cho người dân, cũng như cải thiện sống của những đứa trẻ khó khăn nơi đây. Từ một địa phương luôn bị đánh giá là khó "tiếp cận" chỉ vài thập kỷ trước, khu vực ven sông Nộ Giang đã dần có những bước chuyển mình, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân trong khu vực.

photo-1-16639725592501563692169.jpeg

Yu Yanqia khi trưởng thành

Nguồn: SMCP, Sohu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022