Các vụ bạo hành trẻ mầm non liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Cuối tháng 3, ba giáo viên trường Mầm non Học viện Anh-Xtanh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, bị buộc thôi việc vì nhiều lần đánh vào đầu, gáy, tát vào mặt, véo tai, ấn vào miệng trẻ 3 tuổi trong giờ ăn hoặc sinh hoạt.

Không lâu sau, một cô giáo ở Quảng Nam bị phụ huynh phát hiện cầm chân trẻ dốc ngược, nhét gậy nhựa vào miệng các bé vào giờ ngủ trưa...

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ở một địa phương, tình trạng bạo hành trẻ mầm non là vấn đề nhức nhối. Nhiều vụ việc được ghi lại qua camera hoặc chia sẻ trên mạng xã hội, gây phẫn nộ.

Nhiều nhà sư phạm nhìn nhận nguyên nhân dẫn tới việc này, chủ yếu do áp lực công việc, trong khi giáo viên thiếu nghiệp vụ, khó kiểm soát cảm xúc.

Vị lãnh đạo Sở phân tích, nuôi dạy trẻ mầm non đòi hỏi sự kiên nhẫn cao nhưng hiện số lượng trẻ ở nhiều nơi đông, công việc và môi trường làm việc của giáo viên được đánh giá là nặng nhọc, căng thẳng.

Trong khi đó, nhóm giáo viên trẻ kiểm soát cảm xúc kém, ngại việc vệ sinh nên khi trẻ làm trái ý thì không kìm chế được, theo hiệu trưởng một trường mầm non ở quận Hà Đông, Hà Nội. Kể cả với giáo viên đã đứng lớp nhiều năm nhưng nếu trường quản lý lỏng lẻo, không cương quyết thì vẫn bạo hành trẻ như một thói quen.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng thấy giáo viên mầm non đang quá tải vì phải đáp ứng nhiều yêu cầu từ cha mẹ, nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục ... mà lợi ích kinh tế lại chưa xứng đáng. Nhiều giáo viên cảm thấy ấm ức khi không được xã hội và phụ huynh tôn trọng.

Hiện, lương giáo viên mầm non khoảng 4,9-14,93 triệu đồng một tháng, thấp nhất trong tất cả bậc học. Đến giữa năm ngoái, khoảng 80% trong hơn 260.000 giáo viên mầm non được xếp vào hạng III và IV, hưởng dưới 11,4 triệu đồng một tháng.

bao-luc-1745942868-5623-1745945344.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AHLnrnd3do1t3BWt7BkgjA

Cảnh cô giáo dốc ngược chân một bé gái, rồi đánh ở Quảng Nam. Ảnh: Cắt từ video

Lý do thứ hai là năng lực sư phạm hạn chế, cộng với thiếu hiểu biết về tâm sinh lý độ tuổi khiến giáo viên không giải quyết được các tình huống phát sinh từ trẻ, đặc biệt các trẻ có bất thường về tâm lý.

"Bất lực sẽ dẫn đến giải quyết bằng bạo lực", bà nhìn nhận.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, điều này cho thấy khâu tuyển dụng đầu vào, chủ yếu ở cơ sở tư thục nhỏ lẻ và nhóm lớp, chưa đảm bảo.

Ông Thành Nam cho rằng một nguyên nhân khác còn vì niềm tin "yêu cho roi cho vọt" đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.

"Trong giáo dục trẻ, nhiều người vẫn tin rằng nếu trẻ không sợ mình; không sợ bị phạt thì không thể giáo dục được. Những niềm tin này làm nhiều người lớn tặc lưỡi khi trót bạo hành trẻ", ông nói.

Theo các nhà giáo, trẻ bị bạo hành ngoài tổn thương về cơ thể còn tổn thương về tâm lý. Những đứa trẻ bị bạo hành về lâu dài thường thay đổi thế giới quan theo chiều hướng tiêu cực.

"Đứa trẻ dễ lớn lên với những hoài nghi về lòng tốt của người khác và có thể sẽ hành xử theo cách chúng đã được đối xử", ông Nam nói. "Về mặt cảm xúc, các em luôn lo lắng và hoảng sợ".

Để giải quyết, các nhà giáo cho rằng ngoài tăng cường giám sát kiểm tra và thanh tra các cơ sở mầm non, nhà quản lý cần tăng chế tài xử phạt, như cấm hành nghề vĩnh viễn với giáo viên bạo hành, rút giấy phép hoạt động của cơ sở vi phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự khi cần thiết.

Ngoài ra, trách nhiệm của nhà trường trong giám sát giáo viên và bảo vệ trẻ cần được quy định cụ thể, bổ sung luật về bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi (hiện chỉ dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em).

Ông Nam và bà Thanh cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ tài chính để giáo viên mầm non giảm áp lực kinh tế và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Nữ hiệu trưởng mầm non ở quận Hà Đông, nhìn nhận dù là thuộc nhóm công lập hay tư thục, các trường cần thường xuyên tập huấn cho giáo viên về đạo đức, cách cân bằng cảm xúc và kiểm soát cảm xúc, cũng như các quy định pháp luật với các hành vi bạo hành trẻ.

"Đời sống tinh thần giáo viên cần phải được quan tâm và tạo động lực, niềm vui nghề nghiệp", cô nói thêm.

Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Thị Trang ở Hà Nội, cho hay rất lo lắng khi đọc tin tức về bạo hành. Vì thế, chị chú ý đặc biệt ở khâu chọn trường như tìm hiểu giấy phép, cơ sở vật chất, giáo viên, ưu tiên các trường có camera giám sát. Ở nhà, chị dạy con cách chia sẻ khi gặp điều gì khó khăn ở trường.

"Tôi thường xuyên trao đổi với giáo viên để nắm bắt tình hình của con", chị nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022