Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 18/5 cho biết như trên.

Tính đến hết kỳ I năm học này, cả nước có hơn 1,26 triệu giáo viên từ mầm non đến hết lớp 12. Theo định mức, số giáo viên còn thiếu khoảng 120.000 người.

Ông Đức cho hay giai đoạn 2022-2026, ngành giáo dục được giao tuyển bổ sung gần 66.000 biên chế. Cộng với khoảng 43.000 biên chế chưa sử dụng trước đó, tổng là gần 109.000.

Tuy nhiên đến cuối năm ngoái, các địa phương mới tuyển được khoảng 50.000 người. Như vậy, còn khoảng 60.000 biên chế chưa được tuyển dụng.

Ông Đức nhận định có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên là một số địa phương không tuyển dụng hết số biên chế được giao. Trong khi đó, các tỉnh vẫn tinh giản bằng cách cắt giảm cơ học 10% viên chức hưởng lương ngân sách.

Thứ hai là một số vùng khó khăn, thiếu nguồn để tuyển, nhất là các môn học đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Một nguyên nhân khác là từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều địa phương dừng tuyển giáo viên để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

"Thậm chí có địa phương đã tổ chức thi tuyển nhưng không ra quyết định tuyển dụng hoặc đã ban hành quyết định xong lại thu hồi", ông Đức nói, nhìn nhận có biên chế mà không tuyển được nên tình trạng thiếu giáo viên không được cải thiện.

5d5ce9b2-cdcf-431a-b5c5-33f2fe-1219-5532-1747640776.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aZ7DcQLhkmKewP_dvB0mVA

Giáo viên trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP HCM, tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Năm 2023, cả nước thiếu 118.000 giáo viên. Trước đó một năm, con số này là gần 107.000. Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, ở hầu hết địa phương, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh và chất lượng giáo dục. Như cuối năm ngoái ở Thanh Hóa, hơn 2.700 học sinh tiểu học và THCS ở huyện Lang Chánh phải nghỉ môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc trong hai tháng do không có người đứng lớp.

Bộ đã đề xuất nhiều chính sách, trong đó thí điểm tuyển người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn. Sau hai tháng lấy ý kiến, đa số địa phương cho rằng việc này là cần thiết, để mở rộng nguồn tuyển, thu hút những người đã được đào tạo, yêu quý nghề giáo vào ngành.

"Đây là cơ hội để những giáo viên có trình độ cao đẳng đã được đào tạo trước đây ở các trường cao đẳng sư phạm, cao đẳng nghề như Tin học, Mỹ thuật tham gia tuyển dụng", ông Đức nói.

Ngoài ra, theo dự thảo Luật Nhà giáo, cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục được giao quyền tuyển dụng. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng điều này cũng góp phần giúp giảm tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Trong công điện hôm 10/5, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh, thành tuyển đủ số biên chế được giao.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022