Đây là năm thứ 3 liên tiếp, 4 ngành học này có tỷ lệ thấp nhất trong tổng số 23 lĩnh vực theo báo cáo của Bộ GD&ĐT năm 2022.
Ngành Nông - Lâm nghiệp và Thuỷ sản tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng nhập học thấp nhất với 42,91%, tiếp đến Khoa học sự sống (54,35%), Khoa học tự nhiê (58,28%), Dịch vụ xã hội (58,91%).
4 ngành/lĩnh vực đào tạo có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học thấp nhất năm 2022.
Bộ GD&ĐT nêu nguyên nhân do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường, chọn ngành dịch chuyển mạnh những năm gần đây.
Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành đào tạo thì không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.
Với những ngành đào tạo truyền thống vẫn kén người học do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước để thu hút người học.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, trong hơn 563.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên cả nước, lĩnh vực kinh doanh và quản lý có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học cao nhất khoảng 26%, tiếp đến là lĩnh vực Máy tính - Công nhệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cùng chiếm tỷ lệ 9%. Sau đó, tỷ lệ lần lượt là các lĩnh vực Sức khoẻ, Khoa học xã hội và hành vi, Khoa học GD&ĐT giáo viên, Kỹ thuật, Pháp luật...
Những ngành học tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học cao nhất năm 2022.
Nhìn chung kết thúc tuyển sinh đợt 1, trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển thì 463.123 em nhập học (bằng 90% của năm 2021 và vượt số lượng cả năm 2020). 149 đơn vị tỷ lệ nhập học tính trên số thí sinh trúng tuyển đạt trên 80%. Công tác tuyển sinh được thực hiện đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế.
Theo Bộ GD&ĐT, một số trường đại học đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển, gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Một số trường xét tuyển bổ sung nhưng không báo cáo kết quả lên hệ thống theo quy định.
5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Trong đó, hơn 50% số lượng thí sinh nhập học theo phương thức xét điểm thi THPT vào các trường.
5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét qua phỏng vấn, xét thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thi văn hoá ở các trường.